ClockChủ Nhật, 15/10/2023 15:24

Khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống

TTH.VN - Mưa cường suất lớn, kéo dài trong những ngày qua đã gây sạt lở một số tuyến giao thông, vùng ven sông, biển ở các địa phương. Công tác khắc phục đang được tích cực triển khai ở các địa phương.

 Sử dụng rọ đá khắc phục sạt lở bờ biển xã Phú Diên (Phú Vang)

Theo số liệu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ 19 giờ ngày 12 đến 7 giờ ngày 15/10, lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 300-650mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 819 mm, Đồn Biên phòng Chân Mây (Phú Lộc) 817mm; Lộc Tiến 789mm. Đợt này lượng mưa chủ yếu ở khu vực đồi, núi ở các huyện Phú Lộc, Nam Đông,  A Lưới.

Trong khi đó, theo dự báo từ ngày 15 đến ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to và rải rác có giông. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-400mm, có nơi trên 600mm.

Liên tục “hứng” những trận mưa dồn dập, ngoài gây ngập diện rộng vùng thấp trũng, vùng đô thị, các khu vực ven sông, biển, các tuyến giao thông trọng điểm cũng xuất hiện trượt lở, xâm thực.

Chiều 15/10, UBND xã Phú Diên (Phú Vang) huy động các lực lượng, người dân địa phương (khoảng 150 người), thiết bị vật tư tiến hành triển khai thi công xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường ra biển. Bộ CHQS tỉnh cũng đã điều động 20 cán bộ hỗ trợ xử lý sạt lở bờ biển qua xã Phú Diên.

Ông Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết: Sau khi kiểm tra các điểm đường dân sinh bị sạt lở ven biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xuất 50m3 đá hộc, 50 rọ thép loại 1m3 và 1 cuộn vải lọc kích thước 900m2 để cho địa phương để xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở đường do mưa lớn, làm hạn chế dòng chảy, ổn định vùng bờ biển.

“Với 7 điểm sạt lở trên tuyến đường dân sinh ra bãi tắm, sạt lở đập tràn, khu dân cư gây nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, thoát nước của bãi tắm, bãi quay ghe và khoảng 30 hộ dân trên địa bàn. Trong khi dự báo những ngày tới tiếp tục có mưa lớn, do vậy công tác khắc phục, gia cố các điểm sạt trượt đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhằm giảm thiệt hại, đảm bảo an toàn cho các vùng dân cư ven biển”, ông Hoàng Văn Vy thông tin.

Huy động lực lượng khoảng 150 người khắc phục sạt lở ở Phú Diên 

Ở vùng trũng Quảng Điền, cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Cụ thể, đoạn sạt lở ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước có chiều dài 50m, UBND huyện Quảng Điền đã sử dụng 50m3 đá, 25 rọ sắt và huy động 50 cán bộ chiến sỹ Ban CHQS huyện, dân quân, cán bộ địa phương để khắc phục. Đến nay, công tác thi công đã hoàn thành.

Trong khi đó, tuyến kè dọc sông Bồ đoạn qua khu dịch vụ Hạ Lang, xã Quảng Phú sạt lở 3 điểm dài 20m; đoạn bờ sông đoạn qua gần Nhà văn hoá thôn Phú Lễ sạt lở 100m ảnh hưởng đến đường giao thông liên thôn. Địa phương đã cắm biển cảnh báo, rào chắn nhằm dảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Về lâu dài, sẽ đề xuất xây dựng tuyến kè ổn định bờ sông.

Ngày 15/10, mưa đã giảm cường độ nên các tuyến đường ngập úng trên địa bàn TP. Huế đã giảm. Tuy nhiên, sạt lở bờ sông Hương tại Long Hồ Thượng 2, phường Hương Hồ trên chiều dài 50m ảnh hưởng đến 2 hộ gia đình và 1 tịnh thất. Sau khi nắm được tình hình, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã chỉ đạo UBND phường Hương Hồ di dời 2 hộ và tài sản đến nơi an toàn.

Liên quan đến điểm sạt lở trên đèo Hải Vân, ông Nguyễn Danh Tiến, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ III (Khu Quản lý đường bộ III, Bộ GTVT) cho biết, lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ III, đã đi kiểm tra, đánh giá tình trạng cũng như công tác khắc phục sạt lở trên đèo Hải Vân.

Sau khi kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra thống nhất cho thông xe lưu thông qua đèo Hải Vân từ lúc 8 giờ 30 phút. Đồng thời, yêu cầu đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, sạt lở để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.

Trước đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 13/10, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, phần ta luy dương tại Km905+600 đường đèo Hải Vân xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông. Các đơn vị liên quan huy động thiết bị, máy móc cùng nhân công để khắc phục. Lực lượng CSGT Công an TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế lập chốt chặn, hướng dẫn người và phương tiện không lưu thông lên đèo Hải Vân. Đến nay, công tác khắc phục sạt lở đã xong, phương tiện đã lưu thông trở lại trên đèo Hải Vân.

 Khắc phục điểm sạt lở trên đèo Hải Vân

Ông Đặng Văn Hoà, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đánh giá, trong đợt mưa lớn vừa qua, các địa phương đã theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho Nhân dân.

Các địa phương tổ chức rà soát phương án ứng phó với mưa lớn theo phương châm 4 tại chỗ, rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, cấm đường các khu vực nguy cơ rất cao xảy ra sạt trượt tránh để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người. Đồng thời, lực lượng công an các huyện đã tăng cường về vùng trũng để hỗ trợ Nhân dân, nhất là di dời khi có yêu cầu. Trong các ngày mưa lớn vừa qua, đã huy động khoảng gần 2.500 lượt cán bộ chiến sỹ cùng hàng trăm lượt phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai.

Còn nhiều dung tích phòng lũ

Mực nước các hồ thủy điện ngày 15/10, hồ Tả Trạch +35,18m, lưu lượng đến hồ 1.099m3/s (lưu lượng đến lớn nhất 1.307m3/s), lưu lượng chạy máy 80m3/s (mực nước dâng bình thường +45m). Hồ thủy điện Hương Điền +54,40m, lưu lượng đến hồ 545m3/s (lưu lượng đến lớn nhất 2.043 m3/s), lưu lượng chạy máy 249m3/s (mực nước dâng bình thường +58m). Hồ thủy điện A Lưới +552,905m, lưu lượng đến hồ 152m3/s; lưu lượng về hạ du 109m3/s, lưu lượng qua máy 42,7m3/s (mực nước dâng bình thường +553m).

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư
Return to top