Ngâm mình dưới nước khắc phục sự cố
Dầm mưa, ngâm nước khắc phục sự cố
Do ảnh hưởng mưa bão nước sông, suối dâng cao gây ngập lụt kéo dài nhiều ngày. Nước lũ lên nhanh khiến các nhà máy nước ngập sâu. Tại nhà máy Hòa Bình Chương, nước sông dâng cao so với bình thường 4m, cao hơn nền nhà 0,62m; NM Phong Thu cách nền nhà máy 0,6m, nước ngập cao hơn mốc lụt năm 1999: 0,3m. Trạm trung chuyển Điều áp Điền Môn mực nước cao hơn nền nhà máy 0,24m, cao hơn mực nước năm 1999 là 5cm….
Tại A Lưới, lượng mưa lớn, tốc độ dòng chảy tại các khe suối tăng mạnh, nhiều điểm ngập sâu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cấp nước. Ống nước thô D225 từ đập Tà Rê bị trôi, người dân đã néo giữ ống kịp thời. Các đập Sơn Thủy, Phú Vinh, Đông Sơn, A Roàng, Hồng Thủy, Hồng Hạ đều bị tắc đập, trôi ống. Nước ngập sâu khiến 7/30 nhà máy và 9/33 trạm tăng áp bị mất điện lưới, đặc biệt nhà máy nước Vạn Niên, nhà máy có công suất cấp nước lớn nhất chiếm 75% nhu cầu dùng nước toàn tỉnh, điện lưới không ổn định phải chạy máy phát nhiều giờ liền.
Trước tình hình đó, HueWACO đã huy đọng lực lượng kiểm tra, khắc phục sự cố, kịp thời cấp nước an toàn, liên tục cho khách hàng.
Ngay trong những ngày đầu mưa bão, mặc dù tuyến đường lên A Lưới bị sạt lở, chia cắt nhưng HueWACO huy động nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư vượt mưa bão, tham gia dọn đường, lên ứng cứu A Lưới. Các công nhân mặc đồ bảo hộ lao động, áo phao sử dụng dây thừng buộc quanh người và buộc dây vào gốc cây kiên cố trước khi lao mình ra giữa dòng nước chảy xiết xử lý các sự cố tắc ống thu nước. Đến nay, các địa phương như Sơn Thủy, A Ngo, Hồng Thủy đã cấp nước trở lại 50%. Chiều tối 11/10, đã khắc phục sự cố nhằm đảm bảo cấp nước cho thị trấn ALưới.
Tại Xí nghiệp Hương Điền dù nước dâng cao hơn sàn nhà máy 0,5m, công nhân trực bảo vệ nhà máy phải tiến hành lắp các cửa phai, đắp đập bằng bao cát vào hầm máy trạm bơm cấp 1, duy trì hoạt động đến lúc cần thiết thì mới tháo má bơm và lắp lại bơm khi nước hạ xuống. NM Phong Thu mất điện lưới kéo dài, máy phát thiếu công suất phải chạy bổ sung thêm NM Hòa Bình Chương đang ngập sâu trong lũ. Nhờ đó, tình hình xử lý nước cấp ra mạng vẫn đảm bảo an toàn.
Trước đó, mưa lũ lớn khiến móng đá cầu Đồng Lâm sập xuống đè gãy tuyến ống DN225 qua cầu Đồng Lâm (tuyến vào NM Xi măng Đồng Lâm) khiến NM mất nước. Nhận được tin báo vào lúc 9h30, dù nước dâng cao, đoạn quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà ngập sâu gần nửa mét, Xí nghiệp Hương Điền đã huy động nhân vật lực. Sau hơn 5 giờ dầm mưa, lũ các công nhân đã hoàn thành khắc phục sự cố cấp nước cho NM Xi măng Đồng Lâm và người dân dọc tuyến.
4 tại chỗ, 3 sẵn sàng
Theo ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO, để đảm bảo an ninh nước trong thời gian mưa bão, HueWACOy thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” (chỉ huy tại chỗ; vật tư; trang thiết bị tại chỗ; lực lượng tại chỗ, 3 sẵn sàng gồm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Hiện HueWACO huy động gần 300 cán bộ, công nhân viên theo dõi lượng mưa, mức lũ để có phương án phòng chống lũ, giảm thiệt hại con người và tài sản, tham gia khắc phục các sự cố cấp nước, cấp nước sạch liên tục cho dân trong lũ lớn. HueWACO chủ động thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo 100% máy phát điện dự phòng hoạt động tốt, dự trữ gần 30.000 lít dầu, đảm bảo vận hành cho các NM khi có sự cố mất điện trên 5 ngày.
|
Tăng nhân lực, tăng cường độ kiểm tra nước
Thuê thuyền vận chuyển dầu dự trữ cho nhà máy Phong Thu và Hòa Bình Chương
Mưa lớn kéo dài khiến độ đục tăng trên các sông tăng cao. Tại các NM Vạn Niên – Quảng Tế, Phong Thu, Nam Đông và Tứ Hạ độ đục nước nguồn lên đến 1.000 NTU (cao hơn 100 lần) so với thời điểm bình thường, hàm lượng chất hữu cơ, sắt, mangan trong nước cũng cao hơn 10 lần so với ngày thường. Vì thế, đội ngũ kỹ thuật HueWACO phải liên tục lấy mẫu nước kiểm tra chất lượng nước để có các giải pháp xử lý nước phù hợp.
Nếu như ngày thường, mỗi nhà máy chỉ có 1 đến 2 người vận hành xử lý nước trong 1 ca (8 giờ) thì nay tất cả các NM đã bố trí 100% công nhân vận hành (từ 4 – 8 người trong ca) theo dõi vận hành xử lý; chất lượng nước nguồn, nước sau xử lý được kiểm tra hàng giờ.
Theo ông Mai Xuân Tấn, Phòng QLCLN, các NM xử lý nước đã tăng cường xử lý than hoạt tính bột để khử màu, mùi và PAC để keo tụ và Javen để xử lý sắt, mangan, khử trùng, kiểm tra kỹ các chỉ số an toàn, chỉ tiêu của nước như: màu sắc, pH, độ đục, vi sinh, độ kiềm, tổng chất rắn hòa tan… đảm bảo an toàn khi cấp nước đến người dân. Trong tình hình hiện nay, các NM và toàn mạng vẫn duy trì lượng clo dư từ 0,2 đến 0,7 mg/l, ngăn chặn các nguy cơ nước bị nhiễm các vi sinh vật đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp đến khách hàng.
HueWACO đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều đề tài duy trì cấp nước an toàn, nhất là trong mưa lũ giúp giảm độ đục sau lọc, giảm lượng sắt và mangan trong nước xuống thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Lãnh đạo HueWACO khẳng định, dù chất lượng nước đầu nguồn suy giảm song chất lượng nước toàn mạng vẫn duy trì dưới 0,02NTU thấp hơn 100 lần so với QCVN 01-1:2018/BYT và hàm lượng Clo dư trong nước (từ 0,2 – 0,7 mg/l) để chống tái nhiễm vi sinh đảm bảo cấp nước an toàn đến người dân.
Bài, ảnh: Hoàng Loan