ClockThứ Sáu, 17/11/2017 05:41

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

TTH - Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, sau mưa lũ, nhiều công trình thủy lợi, giao thông nội đồng của các địa phương trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, xuống cấp.

Hiện toàn tỉnh còn khoảng 500km đê nội đồng xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để kịp phục vụ sản xuất vụ đông xuân đang đến gần.

Gia cố bờ bao phục vụ sản xuất đông xuân tại địa phương vùng trũng Quảng Điền

Nhiều điểm nóng sạt lở  

Xã Quảng Thành (Quảng Điền), đang đối diện với nhiều khó khăn do sau lũ, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng xuống cấp nhiều điểm.

Vừa kiểm tra các tuyến đê trở về, ông Phan Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin, trận mưa lũ vừa qua ngoài thiệt hại về hoa màu, đã làm 7 tuyến giao thông liên thôn và 8 tuyến giao thông nội đồng tại địa phương bị sạt lở cuốn trôi và 2,5km kênh mương tưới tiêu bị hư hại. Đặc biệt, trong đó có tuyến giao thông nội đồng Cầu Giữa - Bàu Mới dài 1,5km với tổng vốn 2,5 tỷ đồng, chỉ mới thi công xong nền đê thì bị sạt, trượt, gây khó khăn cho việc sản xuất vụ đông xuân tới.

Theo thống kê của UBND huyện Quảng Điền, sau đợt mưa lũ vừa qua, đã có 5km các tuyến đê bao, đê nội đồng bị sạt, hư hỏng xuống cấp nặng như đê bờ tả, hữu Diên Hồng, đê Đồng Lâm, hói chợ Nang. Trong đó, sạt lở nghiêm trọng nhất là một số tuyến đê bao, kênh mương nội đồng trên địa bàn các xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Vinh, thị trấn Sịa và cầu liên thôn An Xuân Tây- An Xuân Đông (Quảng An).

Tại huyện Phú Vang, hơn 8,5km tuyến đê bao, đê nội đồng cũng bị hư hỏng nặng như đê Thiệu Hóa, Diền Tụ, Vinh Hà và đê kênh tiêu Phú Mỹ-Phú Dương. Trong đó, tại xã Vinh Hà, tuyến đê tây phá Cầu Hai đoạn từ cống Phường 6 đến cống Quan trên chiều dài khoảng 4km đã bị xuống cấp, “đe dọa” tình trạng xâm nhập mặn với diện tích 450 ha lúa một vụ của vùng Bàu Ô.

Các địa phương như Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà cũng có hàng chục km đê bao, đê nội đồng, bị sạt lở, hư hỏng. Trong đó, tại huyện Phong Điền, xuống cấp nặng nhất là các tuyến đê, hói Hiền Lương, Điền Hải, Hòa Viện, Cồn Đầm, Nhất Phong, Hói Ngang.

Công nhân Công ty Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh vớt bèo rác, khơi thông đập La Ỷ

Ưu tiên sản xuất vụ đông xuân 

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, sau mưa lũ, UBND huyện yêu cầu các địa phương, nhất là ở vùng thấp trũng, tổ chức kiểm tra các cống trên đê, khơi thông dòng chảy kênh mương. Đồng thời, huy động kinh phí khắc phục hạ tầng, hỗ trợ giống, vật tư để các HTX sản xuất vụ đông xuân sắp tới.

Ông Phan Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành chia sẻ, theo kinh nghiệm của địa phương và cũng tuân thủ khung lịch thời vụ thì từ thời điểm hiện tại cho đến 10/12, công tác tu bổ, sửa chữa các tuyến đê bao, giao thông nội đồng phải xong để “đóng khẩu” tiêu nước phục vụ sản xuất và đến 25/12 xuống giống trà lúa đầu tiên.

Địa phương đã chỉ đạo 2 HTX trên địa bàn nạo vét bùn đất ở các trạm bơm, một số tuyến kênh mương. Sau khi nước rút hết cần tổ chức kiểm tra, rà soát lại tất cả các tuyến đê, giao thông nội đồng để báo cáo cụ thể và lên kế hoạch khắc phục. Trong trường hợp kinh phí nhỏ thì phải chủ động huy động xã viên góp công và HTX có nguồn quỹ để khắc phục hư hỏng nhỏ. Hư hỏng lớn sẽ báo cáo cấp trên xin phân bổ kinh phí để sửa chữa kịp thời để kíp phục cụ sản xuất đông xuân.

Tại đập La Ỷ (Phú Thượng, Phú Vang), những ngày này, công nhân của Trạm thủy lợi La Ỷ đang xử lý, khơi thông rều rác, vật nổi ở hạ nguồn thân đập để khơi thông dòng chảy, giúp tiêu thoát lũ cho hệ thống sông, hói trong khu vực.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty Quản lý & Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đập La Ỷ là công trình thủy lợi quan trọng, giúp cung cấp nước tưới và ngăn lũ cho hơn 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 5 xã, thị trấn gồm Phú Thượng, Phú Dương, Phú Thanh, Phú Mậu và thị trấn Thuận An (Phú Vang).

Sau lũ, những công trình thủy lợi quan trọng, phục vụ sản xuất trước mắt như La Ỷ, Phú Cam, Cầu Long, Quan, Cửa Lác… đã được công ty huy động lực lượng xử lý khơi thông, tu bổ trước; những công trình lớn sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra để có phương án xin phân bổ kinh phí sửa chữa sau.

Ông Đính cho biết thêm, hiện tại, các khu vực đầu mối của các hồ lớn như Hòa Mỹ, Thọ Sơn, Phú Bài…không có thiệt hại, nhưng các tuyến kênh nhánh thuộc hệ thống này đều bị bồi lấp khối lượng đất dày từ 30-50cm, đến nay một phần đã được khắc phục.

Thiệt hại chủ yếu hiện nay là các trạm bơm tiêu có bờ bao, bờ vùng thuộc các địa phương vùng trũng, hầu hết đều bị hư hỏng, sạt lở và vỡ nhiều đoạn gây khó khăn cho sản xuất. Trước mắt, đối với tuyến đê nhỏ sẽ chọn vùng trọng điểm, phân bổ kinh phí xây dựng bán kiên cố để phục vụ sản xuất kịp thời. Đối với các tuyến đê lớn sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ để các địa phương tiến hành tu sửa, nâng cấp.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, hiện tuyến đê nội đồng trên địa bàn tỉnh đang còn khoảng 500km xuống cấp cần được đầu tư. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, lồng ghép kinh phí tu sửa, nâng cấp đê điều vào nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận dụng nguồn vốn khắc phục bão lụt hàng năm để tập trung sửa chữa các đoạn xung yếu, trọng điểm, phục vụ sản xuất trước mắt.

Cần 1.000 tỷ để đầu tư đê biển, đầm phá

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đê kè ven biển, đầm phá toàn tỉnh có chiều dài 180km, đã được nâng cấp, đầu tư 60km; còn 120km và 135 cống các loại cần tiếp tục xây mới, nâng cấp với nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 40km cần phải khắc phục, nâng cấp khẩn cấp như vùng ven biển qua khu vực Hải Dương (Hương Trà), Vinh Hà (Phú Vang), Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền) và Điền Hải (Phong Điền).

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Thi đua sản xuất giỏi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD), với tổng số khoảng 700 thành viên. Các CLB được thành lập đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy sản xuất, giúp hội viên, nông dân (HVND) vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Thi đua sản xuất giỏi
Gam sáng trong sản xuất công nghiệp

Nhiều dự án công nghiệp (CN) trọng điểm đi vào hoạt động, cùng với đó là tín hiệu khởi sắc từ các ngành CN truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy sự đóng góp rất tích cực của ngành CN vào sự tăng trưởng chung.

Gam sáng trong sản xuất công nghiệp
Return to top