Dự án Bệnh viện chuyên khoa Quốc tế Huế (khoanh tròn) sau một thời gian gặp vướng mắc, hiện đang triển khai xây dựng
Xem xét thu hồi, giám sát đặc biệt nhiều dự án
Theo đánh giá của HĐND tỉnh, những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã bám sát Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được giao đất, thuê đất thực hiện các dự án trên địa bàn. Nhờ vậy, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu và đầu tư, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng đất. Việc triển khai một số dự án đầu tư không đạt như kỳ vọng. Quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư còn mất nhiều thời gian; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư của dự án; một số quy hoạch đã phát sinh bất cập trong quá trình triển khai; công tác thẩm định năng lực thực hiện dự án của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; thiếu kiên quyết trong thu hồi dự án; việc xử lý tài sản trên đất khi thu hồi các dự án gặp nhiều vướng mắc.
Qua giám sát, HĐND tỉnh cũng chỉ ra rằng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện một số kết luận thanh tra, các văn bản gia hạn thời gian thực hiện dự án chưa cao. Công tác phối hợp liên ngành và giữa các sở, ngành với các địa phương trong việc xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, quản lý các dự án trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ. Do đó, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về kết quả giám sát tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh rà soát, xem xét thu hồi 24 dự án, giám sát đặc biệt 29 dự án và đôn đốc thực hiện 26 dự án.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư uy tín
Mới đây, UBND tỉnh vừa quyết định chấm dứt hoạt động 12 dự án chậm tiến độ, tập trung ở các khu kinh tế - khu công nghiệp như: Chân Mây - Lăng Cô, Phú Bài, Phong Điền... Tổng số vốn đăng ký đầu tư của 12 dự án này gần 7.300 tỷ đồng nhưng các chủ đầu tư mới giải ngân khoảng 50 tỷ đồng.
Các dự án có số vốn đăng ký đầu tư lớn bị chấm dứt hoạt động lần này gồm: Dự án Tổ hợp nhà máy pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech ở Khu Công nghiệp Phong Điền, với vốn đăng ký đầu tư gần 6.250 tỷ đồng; Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An - Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư xây dựng và du lịch CIT (vốn đăng ký 192 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất, in bao bì caton, bao bì nhựa của Công ty TNHH Quý Nguyễn tại Khu Công nghiệp Phú Bài (vốn đang ký hơn 130 tỷ đồng)…
Siêu thị Nguyễn Kim sau một thời gian gặp vướng mắc, hiện đang triển khai xây dựng
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đa số dự án bị chậm do nhà đầu tư khó khăn về mặt tài chính. Một số dự án vẫn có thể tập trung được tài chính nhưng lại lúng túng ở thị trường đầu ra. “Phải cân nhắc lại việc triển khai dự án, đó là bài toán của nhà đầu tư. Tỉnh có thể gia hạn cho nhà đầu tư, song với những dự án kéo dài buộc tỉnh phải xử lý để kêu gọi nhà đầu tư khác”, ông Định cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, việc triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về kết quả giám sát tình hình sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng. Đến nay, đã thu hồi 12/24 dự án thuộc danh mục dự án cần rà soát, thu hồi là một dấu hiệu tích cực. “Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo giám sát tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời tiếp tục rà soát các dự án khác để trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi do chậm triển khai, tạo quỹ đất để kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực hơn”- ông Nguyễn Quang Tuấn đặt vấn đề.
Tại cuộc họp mới đây về rà soát các dự án đầu tư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các dự án đã và đang triển khai để phát hiện và xử lý những vướng mắc, nhất là hỗ trợ kịp thời cho chủ đầu tư, nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình và giải ngân nguồn vốn các dự án. Đối với những dự án chậm tiến độ kéo dài, chây ì, không triển khai theo đúng kế hoạch buộc phải kiên quyết thu hồi theo hướng quyết liệt, triệt để, không có “vùng cấm”. Đồng thời, thực hiện công khai danh mục các dự án thu hồi, các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Bài: Thái Bình
Ảnh: H. Hải - L. Đan