|
Nhiều tuyến đường ngập sâu ở A Lưới trong đợt mưa vừa qua |
Toàn tỉnh có 51 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Nam Đông, A Lưới và Phong Điền. Hiện tại, một số địa phương đã và đang xây dựng khu tái định cư (TĐC) nhằm di dân an toàn.
Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, đối diện với các đợt mưa lớn trong thời gian tới, chính quyền các xã tiếp tục thực hiện phương án sẵn sàng di dời, sơ tán dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Theo UBND huyện Nam Đông, do đặc điểm địa hình, nhiều vùng xung yếu trên địa bàn huyện thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở, tập trung ở các xã Hương Lộc, Hương Sơn, Thượng Quảng, Khe Tre...
Qua thống kê, trên địa bàn có hơn 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng khoảng 3.500 nhân khẩu.
Ngoài khu TĐC ở thị trấn Khe Tre được UBND huyện Nam Đông tiến hành xây dựng từ nguồn vốn của tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan, thực hiện di dân TĐC cho 14 hộ ở vùng giáp ranh giữa xã Hương Phú và thị trấn Khe Tre, đến nay, các điểm xung yếu nguy cơ sạt lở khác vẫn mới chỉ dừng ngang việc “khảo sát”.
Bà Nguyễn Thị Duyên, một hộ dân sống ven Tỉnh lộ 14B cho biết, gia đình về khu vực này sống từ năm 2000, nhưng taluy tuyến cao tốc thi công hoàn thiện, chạy ngay sau lưng nhà, mỗi lần có xe chạy đá văng vào nhà. Vào mùa mưa bão, nước từ tuyến đường đổ xuống như thác. Hàng năm, chính quyền địa phương đều yêu cầu di dời khẩn cấp để tránh nguy cơ sạt lở núi. Mặt khác, khi cao tốc đi vào khai thác, đoạn nhà dân có đường cua khá lớn, nguy cơ mất an toàn rất cao cho các hộ dân ở bên dưới.
Các hộ dân này nằm ven Tỉnh lộ 14B phía sau có một quả đồi lớn, dù khi tiến hành xây dựng tuyến cao tốc, các giải pháp kỹ thuật đã thực hiện hiện, nhưng khu vực này luôn đối diện với nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão hàng năm.
Ngoài ra, dọc tuyến Tỉnh lộ 14B còn có Trường THCS thị trấn Khe Tre cũng nằm trong diện đề xuất di dời do tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt mái taluy dương, đe dọa đến an toàn cho việc dạy, học của hàng trăm học sinh, giáo viên ở đây.
Hiện tại, huyện Nam Đông đã đề xuất khảo sát, đánh giá tình hình địa chất tại các vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Khi hoàn tất khảo sát và đánh giá, UBND huyện sẽ tiến hành khoanh vùng những điểm đặc biệt nguy hiểm để ưu tiên di dời TĐC, những nơi khác có ít nguy cơ hơn sẽ được đánh dấu để thực hiện di tản mỗi khi có mưa lớn, ngập lụt.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 10/2023 đến nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, lượng mưa phổ biến từ 1.500-1.700mm, có nơi trên 2.000mm, liên tục xảy ra nhiều trận lũ lớn. Đến thời điểm hiện nay, đất đã bão hòa nước nên nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, nhất là khi mưa lớn tiếp tục diễn ra.
Sạt trượt đất đá là loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro rất cao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, đe dọa đến ổn định của các công trình hạ tầng.
Trong khi đó, theo dự báo, từ đêm 24- 27/11 do ảnh hưởng của không khí lạnh khá mạnh kết hợp gió Đông trên cao mạnh, trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra đợt mưa lớn với xác suất trên 80%. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 500mm; vùng Phú Lộc, Nam Đông có thể 300-500mm, có nơi trên 800mm. Mưa tập trung từ chiều 25 đến 26/11.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, cần đề phòng khả năng xảy ra những điểm mưa trên 180mm/3 giờ và trên 100mm/1 giờ. Từ ngày 29-30/11, không khí lạnh sẽ tăng cường, tiếp tục có mưa với lượng từ 70-150mm, có nơi trên 250mm, diễn biến mưa lớn từ ngày 24 đến cuối tháng 11 còn phức tạp. Nguy cơ cao đến rất cao gây ra lũ lụt, lũ quét, lũ ống, trượt đất đá ở các địa phương.
|
Bố trí lực lượng rào chắn, kiểm soát các điểm ngập sâu trong mưa lũ ở A Lưới |
Trước cảnh báo mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có thông báo cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 24/11. Theo đó, căn cứ vị trí cảnh báo, các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo ở các ngầm tràn, đoạn ngập sâu, đoạn bờ sạt lở. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Trong quá trình triển khai cần đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho các lực lượng làm nhiệm vụ.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong đợt mưa lớn này, yêu cầu các địa thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lũ để triển khai các biện pháp như cấm tất cả mọi phương tiện và người lưu thông qua các tuyến đường có nguy cơ sạt lở rất cao và các khu vực ngầm, tràn, cầu cống nước chảy xiết. Đặc biệt cảnh báo và bố trí lực lượng cảnh giới cho người và phương tiện giao thông và sẵn sàng di dời, sơ tán dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”.
|
Đề phòng sạt lở thủy điện
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu chủ các hồ đập thủy lợi, thủy điện, tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ, thượng, hạ lưu công trình đầu mối. Đề phòng đất đá sạt lở bờ hồ, vai đập gây sóng lũ và làm nước hồ dâng cao đột ngột gây sự cố công trình. Kiểm tra hiện tượng sạt lở bờ sông phía hạ lưu đập tràn, tuy nhiên, cửa xả trạm thủy điện làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình.
|