ClockThứ Hai, 14/06/2021 07:45

Nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ đập

TTH - Giai đoạn 2021-2025, cần hơn 150 tỷ đồng đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước lớn, nhỏ trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn trong giai đoạn biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp hiện nay.

Đảm bảo tiến độ công trình nâng cấp hồ đập“Thấp thỏm” sạt lở thủy điệnCần giám sát kỹ vấn đề an toàn hồ đập và trồng bù rừng

Nâng cấp hồ Phú Bài 2 (Hương Thủy) phục vụ sản xuất

Xuống cấp theo thời gian

Theo Công ty TNHH NN MTV QLKTCT thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi), đơn vị quản lý và vận hành 24 hồ chứa thủy lợi. Trong đó, có 8 hồ chứa nước loại lớn với tổng dung tích khoảng hơn 105 triệu m3 và 16 hồ chứa nước loại vừa và nhỏ. Hầu hết các hồ chứa loại vừa và nhỏ này được đầu tư xây dựng từ những năm của thập niên 90 trở về trước, đa số công trình đã bị xuống cấp.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh đánh giá, những năm qua đã từng bước đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ đập, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư chưa hoàn chỉnh, vẫn còn nhiều công trình đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ xảy ra sự cố.

Khảo sát của công ty mới đây cho thấy, thực trạng các công trình phần đập chính là đập đất đồng chất, phần lớn được xây dựng trong điều kiện vật tư khó khăn, thi công bằng thủ công và thủ công kết hợp cơ giới... đến nay đã bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trong tổng số 24 đập của hồ chứa thì có 7 đập bị thấm thân đập, vai đập và nền đập; 5 hồ chứa mới được xây dựng và nâng cấp thì cống được thiết kế vận hành bằng điện, còn lại vận hành bằng thủ công, nhiều cống đã bị hư hỏng nặng khó khăn trong công tác vận hành điều tiết nước, đồng thời lượng nước rò rỉ qua cống lớn.

Có 7 hồ chứa có chiều rộng mặt đập từ 4m đến 6m, 14 hồ mặt đập từ 2,5m đến 4m, cao trình đỉnh đập thấp, mái thượng lưu đập hồ chứa được gia cố bảo vệ bằng đá hộc hoặc bê tông.

Đa số hồ chứa nước vừa và nhỏ đều có kích thước tràn xả lũ chưa đảm bảo, chủ yếu là tràn đá xây hoặc bê tông đã bị hư hỏng, xuống cấp chỉ trừ một số hồ chứa được sửa chữa, nâng cấp xây dựng mới trong những năm gần đây mới đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thoát lũ.

Mới chỉ có một số hồ chứa lớn như hồ Truồi, Khe Ngang, Hòa Mỹ, Thủy Yên có thiết bị quan trắc thấm, lún, còn lại tất cả các đập chưa có thiết bị theo dõi quan trắc thấm lún. Tuy nhiên, những hồ này có thời gian vận hành dài dẫn đến hệ thống quan trắc lún, thấm đã bắt đầu hư hỏng xuống cấp, trong thời gian đến cần sửa chữa, nâng cấp.

Thi công nâng cấp hồ Thọ Sơn (Hương Trà)

Từng bước nâng cấp, vận hành an toàn

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi cho rằng, trong bối cảnh BĐKH, diễn biến thời tiết ở nước ta, nhất là vùng duyên hải miền Trung hết sức khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra với cường độ lớn và rất bất thường. Số lượng đập, hồ chứa thủy lợi loại vừa và nhỏ do đơn vị quản lý (chiếm 60%) được xây dựng trước những năm thập niên 90 nên chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật.

Vấn đề an toàn đập, hồ chứa thủy lợi cần phải có một giải pháp tổng thể và lâu dài. Việc rà soát lập kế hoạch thực hiện nâng cấp sửa chữa công trình, công tác bảo đảm an toàn theo pháp luật quy định và bố trí kinh phí để thực hiện là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm bảo đảm an toàn công trình, công tác điều hành chỉ đạo của các cấp trong mùa mưa bão, hạn hán, mặn xâm nhập như hiện nay.

Công ty Thủy lợi đã đề xuất Sở NN&PTNT trong giai đoạn năm 2021 - 2025 cần hơn 151 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí đầu tư để thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục bố trí bổ sung vào nguồn vốn đầu tư trung hạn năm 2021-2025, nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh để thực hiện.

Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh trong kế hoạch trung hạn khoảng 116,47 tỷ đồng sẽ đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước.

Nguồn ngân sách sự nghiệp tỉnh đầu tư hàng năm khoảng 29,425 tỷ đồng sẽ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du; lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước; kiểm định an toàn đập; bảo trì đập, hồ chứa nước, sửa chữa hệ thống giám sát vận hành; lập và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; cứu hộ đập, xử lý khắc phục sự cố quy mô nhỏ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước.

Kinh phí từ nguồn hỗ trợ giá dịch vụ thủy lợi hàng năm khoảng 5,75 tỷ đồng sẽ lập và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ, kiểm tra và đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước; kiểm tra, báo cáo hiện trạng đập, hồ chứa nước và lập hồ sơ cấp phép khai thác nước mặt.

Theo Công ty Thủy lợi, hầu hết các hồ chứa nước vừa và nhỏ chưa được kiểm định an toàn đập. Số lượng hồ đã đến thời hạn kiểm định cần thực hiện 22/24 hồ. Trong đó ưu tiên từ nay đến năm 2022 kiểm định an toàn đập đối với các hồ chứa nước lớn và các hồ có nguy cơ mất an toàn; giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 bố trí kinh phí để kiểm định các hồ vừa và nhỏ còn lại.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định
Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du

Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, tổng lượng mưa đo được từ ngày 10 đến ngày 14/12 phổ biến 200-300mm. Các hồ đập đã điều tiết, khống chế mực nước trên các sông trên báo động (BĐ) I đến dưới BĐ II.

Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du
Return to top