Xuống cấp, nhếch nhác
Từ lâu chợ Đông Ba đã trở thành trung tâm mua sắm sầm uất, là nơi giao thương mua bán của người dân trong tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, mua sắm mỗi ngày. Với gần 3.000 lô chính và rong bạ, chợ Đông Ba quy tụ nhiều chủng loại hàng hoá, từ đặc sản Huế, sản phẩm các vùng miền, hàng lưu niệm quà tặng, thực phẩm, trái cây, hoa màu…
Các hộ kinh doanh đường Chương Dương sau sắp xếp, chỉnh trang
Qua thời gian và chưa được đầu tư nâng cấp, sữa chữa lớn nên hiện hạ tầng chợ xuống trầm trọng, nhiều khu vực thấm dột, rách nát; nhiều lô hàng bong tróc mái trần, hệ thống điện chằng chịt ảnh hưởng đến mỹ quan, không an toàn.
Bà Trần Thị Liên, tiểu thương chợ cho rằng, do chợ xuống cấp trầm trọng, diện tích các lô hàng nhỏ trong khi hàng hoá ngày càng nhiều nên nhiều hộ lấn chiếm lối đi để trưng dụng, dẫn đến hè không thông, đường không thoáng, khách ngại vào chợ nên càng ngày chợ càng vắng khách, bán buôn ế ẩm.
Không chỉ về hạ tầng, thái độ phục vụ, cách ứng xử thiếu văn minh với khách; vấn nạn cò mồi, bán hàng kém chất lượng hay nói thách, cũng là chủ đề được nhiều tiểu thương đưa ra với mong muốn xây dựng chợ Đông Ba trở thành chợ văn minh thương mại (VMTM) để thu hút khách.
Cùng với sự đầu tư nâng cấp chợ, chị em tiểu thương cần chung sức, đồng lòng thay đổi thái độ phục vụ, cung cách ứng xử theo phương châm bán hàng đúng giá, không lừa lọc khách nhằm từng bước đưa Đông Ba trở thành chợ VMTM.
Đề xuất phương án hợp lý, từng bước hoàn thiện hạ tầng chợ
Theo lãnh đạo BQL, thời gian qua, BQL đã triển khai sữa chữa một số hạng mục, sắp xếp lại một số ngành hàng, lô hàng; chấn chỉnh tình trạng đậu đỗ xe không đúng nơi quy định khu vực mặt tiền chợ; chỉnh trang tuyến đường Chương Dương và sắp xếp các hộ kinh doanh nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và trật tự đô thị khu vực xung quanh chợ, đồng thời vận động bà con thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, hạn chế tình trạng nói thách. Mặt khác, BQL đã phối hợp với tiểu thương triển khai các ứng dụng để bán hàng online, "đi chợ hộ" nhằm thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện cho tiểu thương phát triển các kênh bán hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định tặng quà cho tiểu thương
Phát biểu tại buổi gặp mặt với đại diện tiểu thương, Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định cho rằng, chợ Đông Ba là một trong những trung tâm mua sắm, giao thương quy mô lớn của tỉnh, nơi tạo nguồn kinh tế lớn cho thành phố cũng như tạo việc làm ổn định cho bao thế hệ người dân.
Ông Định nhấn mạnh, thị trường đang phát triển ở Huế, nhiều siêu thị quy mô lớn ra đời, nhiều khách hàng lựa chọn các kênh bán hàng hiện đại... sẽ là áp lực lớn cho tiểu thương nói chung và tiểu thương chợ Đông Ba nói riêng, đòi hỏi các tiểu thương phải đổi mới tư duy kinh doanh, thay đổi thái độ phục vụ khách.
Thời gian qua, thành phố đã đầu tư ngân sách, giao BQL triển khai phương án đầu tư nâng cấp, sữa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp, sắp tới tiếp tục đầu tư nguồn lực, cả hệ thống chính trị thành phố sẽ cùng với BQL nghiên cứu, đề xuất phương án hợp lý để từng bước hoàn thiện hạ tầng chợ, tạo điều kiện cho tiểu thương có nơi kinh doanh, mua bán khang trang, sạch đẹp.
Cùng với hạ tầng, BQL cần sắp xếp lại các gian hàng, chỉnh trang khuôn viên, đồng thời phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa đào tạo cho tiểu thương về phương thức kinh doanh, đào tạo kiến thức về thương mại điện tử để tiểu thương làm quen với cách thức bán hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách nhằm xây dựng thương hiệu và tạo sức hút cho chợ Đông Ba.
Bài, ảnh: Thanh Hương