Có 12 phương tiện loại 29 chỗ ngồi (đời xe 2016-2017) với trị giá 1,4 tỷ đồng/xe được Công ty CP xe khách Thừa Thiên Huế đưa vào phục vụ hành khách
Nâng chất lượng dịch vụ
Theo đó, công ty sẽ đưa vào hoạt động 12 phương tiện loại 29 chỗ (đời xe 2016-2017) với trị giá 1,4 tỷ đồng/xe và tổ chức cho các lái xe, nhân viên ký cam kết phục vụ hành khách, lái xe an toàn.
Ông Nguyễn Tuất, phụ trách Phòng Kinh doanh Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế cho biết, xe buýt 29 chỗ ngồi là phương tiện xe mới của công ty, ngoài nội thất hiện đại, trên xe được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát. Tùy theo chế độ cài đặt, cứ bình quân 5 phút, dữ liệu hành trình trong xe sẽ được truyền về trung tâm điều hành tại trụ sở công ty.
Các phương tiện tham gia tuyến sẽ có 6 trạm dừng chân ở khu vực nội đô và 10 trạm dừng chân khu vực ngoại đô (chiều vào). Hiện, các trạm dừng chân đang được Công ty CP Đường bộ 1 Thừa Thiên Huế thi công, lắp đặt biển và mái che.
Ngoài giá vé toàn tuyến được quy định 70 nghìn đồng/hành khách/lượt thì giá vé hành khách đi theo chặng cũng đã được niêm yết trên xe. Theo đó, lượt đi từ Bến xe phía Nam - Cầu Hai 30 nghìn đồng, Bến xe phía Nam - Chân Mây 40 nghìn đồng, Bến xe phía Nam - Lăng Cô 50 nghìn đồng/hành khách/lượt; lượt về từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Lăng Cô 40 nghìn đồng, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Cầu Hai 50 nghìn đồng, Lăng Cô - Bến xe phía Nam 50 nghìn đồng/hành khách/lượt.
Mỗi xe có một tài xế và một nhân viên phục vụ trên tuyến. Các tài xe và nhân viên đều được đào tạo, tập huấn kỹ năng và cấp chứng chỉ của Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổ trưởng tổ xe buýt liên tỉnh liền kề Huế - Đà Nẵng và ngược lại (Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế) khẳng định, đối với mỗi lái xe, phải luôn xác định đằng sau lưng mình là tính mạng hàng chục con người. Lái xe, nhân viên trên tuyến không chỉ đổi mới về cơ sở vật chất mà còn cung cách, thái độ phục vụ.
Các lái xe cam kết tuyệt đối chấp hành luật giao thông đường bộ, thực hiện nghiêm quy chế của công ty, phối hợp thường xuyên với ban quản lý bến xe nơi đi và nơi đến trong quá trình hoạt động chạy xe nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Các lái xe, nhân viên phục vụ cũng cam kết thực hiện tốt phong trào thi đua “7 không” do Bộ GTVT và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát động.
Từ 1/1/2020 sẽ chính thức hoạt động
Theo Sở GTVT, từ ngày 1/1/2020 sẽ chính thức đưa vào hoạt động tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng và ngược lại.Thời gian hoạt động của tuyến 14 giờ/ngày (bắt đầu mở tuyến từ 5 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày).Tần suất hoạt động 14 phút/chuyến (giờ cao điểm) và 15 phút/chuyến (giờ bình thường).
Theo Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 26679/QĐ-UBND ngày 29/10/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt Phương án chuyển tuyến cố định liên tỉnh Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại thành tuyến xe buýt liền kề Huế đi Đà nẵng và ngược lại, xe buýt được đề xuất là dòng xe K29, đời xe tối thiểu từ 2015 trở lên, có lô gô nhận diện xe (tỉnh Thừa Thiên Huế là HueBus và Đà Nẵng là Danabus Đà Nẵng).
Phương tiện vận hành (xe buýt) ngoài đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn được lắp đặt camera trên xe và thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn.
Riêng tại Thừa Thiên Huế, dữ liệu từ camera trên xe và thiết bị giám sát hành trình sẽ được truyền về Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng trực thuộc Sở GTVT.
Về giá vé, chiều Đà Nẵng - Huế (dành cho hành khách đi suốt tuyến) được thành phố Đà Nẵng quy định 70.000 đồng/khách/lượt (hành khách đi theo chặng sẽ được tính giá từng chặng).
Đối với chiều Huế - Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng Phương án giá vé trên cơ sở thống nhất với các doanh nghiệp, HTX thành phố Đà Nẵng và thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Dự kiến chiều Huế - Đà Nẵng có 29 phương tiện/ngày, xuất hành buổi sáng hàng ngày tại Bến xe phía Nam - Huế (đến 12 giờ), buổi chiều hàng ngày xuất phát từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (từ 12 giờ 14 phút).
Chiều Đà Nẵng - Huế có 28 phương tiện/ngày, xuất hành buổi sáng hàng ngày tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (đến 12 giờ), buổi chiều hàng ngày xuất phát từ Bến xe phía Nam - Huế (từ 12 giờ 15 phút).
Theo đó, hành trình chạy xe đối với chiều đi từ Huế: Bến xe Phía Nam Huế - An Dương Vương - Nguyễn Tất Thành - QL1A - Hầm Hải Vân - Đường tránh nam Hải Vân - Tạ Quang Bửu - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Chiều về: Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu - Đường tránh nam Hải Vân - Hầm Hải Vân - QL1A - Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương - Bến xe Phía Nam Huế.
Tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng và ngược lại, tại địa phận tỉnh có 32 điểm dừng, đón trả khách (16 điểm chiều đi và 16 điểm chiều về). Trong đó, 12 điểm dừng, đón trả khách (6 điểm đi, 6 điểm về) tại thị xã Hương Thủy và 20 điểm dừng, đón trả khách (10 điểm đi, 10 điểm về) tại huyện Phú Lộc.
Theo Sở GTVT, việc chuyển đổi tuyến cố định Huế - Đà Nẵng và ngược lại thành tuyến buýt liền kề nhằm nâng cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân đi lại giữa hai địa phương, hạn chế các loại xe kinh doanh bất hợp pháp; góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, đổi mới chất lượng phương tiện, thay đổi phong cách phục vụ văn minh lịch sự, dừng đỗ đúng các điểm quy định, lái xe an toàn...
Bài, ảnh: Hà Nguyên