Thưa ông, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 622 phê duyệt Khu vực nhận chìm CNV ngoài biển tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc với những thông số như diện tích 800ha, khoảng cách bờ khoảng 10 km, khối lượng nhận chìm khoảng 6,8 triệu m3… Ông có những khuyến nghị gì về những vấn đề liên quan đến sinh thái, môi trường biển các địa phương trong vùng?
Nhu cầu nạo vét của các dự án tại khu vực cảng Chân Mây rất lớn, ước tính khoảng trên 6 triệu m3. Tuy nhiên, việc sử dụng cnv ở khu vực này để san lấp mặt bằng trên đất liền không khả thi vì nền đáy chủ yếu là bùn. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất để chứa CNV khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc nhận chìm CNV ngoài biển là giải pháp phù hợp và cuối cùng. Vì vậy, các cơ quan quản lý của tỉnh đã tiến hành đánh giá xác định sơ bộ khu vực có thể nhận chìm CNV bằng phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu. Sau đó, tiến hành đánh giá chi tiết các vị trí đề xuất nhận chìm CNV, như: đánh giá các đặc trưng, đặc tính vật lý, hóa học, sinh học của các vị trí đề xuất nhận chìm CNV; đánh giá tác động tiềm tàng của hoạt động nhận chìm CNV tới tài nguyên, môi trường biển vị trí đề xuất nhận chìm và vùng lân cận.
Kết quả nghiên cứu đề xuất vị trí nhận chìm CNV gồm hai vị trí nằm phía ngoài khơi thuộc vùng biển xã Lộc Vĩnh, không gây khuếch tán bồi lắng vào tuyến luồng hàng hải cũng như tác động của dòng chảy từ các cửa sông, cửa tuyến luồng đổ ra biển, vì vị trí đề xuất nhận chìm cách xa khu vực của sông, cửa tuyến luồng hàng hải. Khoảng cách từ khu vực nạo vét đến khu vực nhận chìm khoảng 12 – 13 km phù hợp đảm bảo tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, các vị trí nhận chìm đảm bảo sự thay đổi địa hình đáy biển sau khi nhận chìm ít ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng ven biển, như: khu dân cư ven biển, các công trình trên biển, khu du lịch, khu nuôi trồng thủy sản, hoạt động hàng hải, an ninh - quốc phòng và các hệ sinh thái quan trọng khác. Theo quy định, sắp tới trong từng dự án nhận chìm sẽ có những thủ tục quy định riêng. Trong đó, bắt buộc có những đánh giá tác động về môi trường, nếu đảm bảo quy định, tiêu chí mới được cấp phép nhận chìm CNV.
Nhận chìm CNV ngoài biển là một vấn đề lớn, nhạy cảm được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm các nước tiên tiến về nhận chìm CNV ngoài biển?
Một số đơn cử về các phương pháp mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng để giảm thiểu tác động đến cộng đồng và môi trường khi nhận chìm CNV, như: hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân đang có dự án hoạt động khai thác tài nguyên biển; nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới để xử lý CNV; xây dựng các cơ sở xử lý chất thải để loại bỏ các chất độc và xử lý các CNV theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện các hoạt động quản lý môi trường tổng thể, bao gồm cả việc đánh giá và quản lý các rủi ro liên quan đến các hoạt động khai thác tài nguyên biển; và nghiên cứu và phát triển các biện pháp tái chế và tái sử dụng CNV.
|
|
Nạo vét khơi thông luồng lạch tại vùng biển Chân Mây làm phát sinh lượng chất nạo vét rất lớn |
Theo Luật Bảo vệ Môi trường biển 1975 của Australia, sự đổ chất thải và nhận chìm CNV trong vùng biển của nước này bị hạn chế và phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Hoạt động nhận chìm cnv ngoài biển cần phải đánh giá tiêu chuẩn môi trường và phải được cấp phép trước khi thực hiện. Việc nhận chìm cnv ngoài khơi được thực hiện bởi các tàu chuyên dụng và chỉ được thực hiện ở các vùng biển đặc biệt được cấp phép. Trong suốt quá trình xử lý cnv và nhận chìm ngoài khơi, cần thực hiện các biện pháp đảm bảo nghiêm ngặt để giảm thiểu tác động đến môi trường và các tổ chức chức năng của chính phủ Australia phải theo dõi chặt chẽ toàn bộ quá trình thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường và pháp luật.
Ở châu Âu, việc nhận chìm cnv ngoài khơi được quản lý bởi các chính phủ và các cơ quan quản lý môi trường. Các quy định và quy trình cụ thể có thể khác nhau giữa các quốc gia của châu Âu. Tuy nhiên, nó đều phải tuân theo các hướng dẫn và quy định của Liên minh châu Âu. Theo chính sách của Liên minh châu Âu, nhận chìm cnv ngoài khơi sẽ chỉ được thực hiện khi các phương án xử lý chất thải khác không khả thi hoặc quá đắt đỏ, nhưng phải đảm bảo an toàn, giảm thiểu tác động đến môi trường và con người.
Các địa phương và cơ quan quản lý môi trường trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, phân tích các nhu cầu phát triển và nghiên cứu xác định các khu vực nhận chìm cnv được ưu tiên. Các khu vực nhận chìm cnv ngoài khơi phổ biến ở châu Âu bao gồm vùng biển Địa Trung Hải, vùng biển Bắc Đại Tây Dương và vùng Baltic. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Địa Trung Hải và Công ước Ospar cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động nhận chìm cnv và đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn môi trường...
Với các tỉnh, thành phố ven biển ở nước ta, khi hoạch định khu vực nhận chìm cnv ngoài biển có những vấn đề gì cần chú trọng, thưa ông?
Nhu cầu nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải của các dự án xây dựng cảng, công trình biển hay nạo vét, duy tu thường xuyên, hàng năm nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc vận chuyển an toàn hàng hóa xuất, nhập khẩu trong phạm vi cả nước là rất lớn. Cùng với đó, nhu cầu về vị trí đổ CNV, vị trí nhận chìm đang ngày càng trở nên bức thiết.
Khi lập kế hoạch cho các hoạt động nạo vét ở các tỉnh và thành phố ven biển của nước ta, cần xem xét các vấn đề như về vị trí và điều kiện tự nhiên; tác động sinh thái; bảo vệ khu bảo tồn biển; tác động đến sinh kế…
Việt Nam có bờ biển dài 3.260km với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Tại các vùng biển ven bờ, nghề đánh bắt thủy hải sản là sinh kế truyền thống của người dân. Ngoài ra, nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển đã được đầu tư và phát triển, tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh và dịch vụ lưu trú tại các khu vực này. Việc nhận chìm cnv có thể làm ảnh hưởng hoặc gián đoạn đến sinh kế người dân địa phương khu vực ven biển. Do đó, các hoạt động nạo vét và nhận chìm cnv nên chú trọng đến tác động của hoạt động nhận chìm đến sinh kế vùng biển.
Các hoạt động nhận chìm cnv phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo không có các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái biển. Do đó, cần tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước và khảo sát điều tra các hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường phải được tiến hành trước khi bắt đầu các hoạt động nhận chìm để đánh giá các tác động có thể xảy ra đối với môi trường, sinh kế, và các hoạt động kinh tế khác, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Cùng với đó, cần đảm bảo vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong lĩnh vực nhận chìm cnv ngoài biển theo Điều 159 của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Xin cảm ơn ông!