|
Xi măng Đồng Lâm cung ứng cho khách hàng thi công các công trình dân dụng |
Hiểu rõ các lỗi thường gặp sẽ giúp chủ nhà chủ động hơn trong quá trình xây dựng, tránh các rủi ro và có giải pháp xử lý đúng khi có sự cố, đảm bảo ngôi nhà của mình được hoàn thiện một cách tốt nhất. Sau đây là những chia sẻ của ông Võ Quang Nguyên Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đồng Lâm.
1. Lỗi về thủ tục pháp lý:
Lỗi về thủ tục pháp lý thường gặp là thi công không có giấy phép xây dựng, thi công sai phép và không tuân thủ các quy định về xây dựng. Đây là lỗi phổ biến nhất và có thể dẫn đến việc công trình bị đình chỉ thi công, tháo dỡ hoặc bị xử phạt. Hiện nay, việc xây nhà không chỉ còn theo sở thích, mà còn phải tuân thủ các quy định của Nhà nước. Do đó, để tránh những rủi ro pháp lý thì chủ nhà cần nắm rõ quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở hoặc có thể nhờ các đơn vị tư vấn địa phương chuyên nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết về xây dựng nhà ở.
2. Lỗi về thi công không có hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ thiết kế kém chất lượng:
Nhiều chủ nhà vẫn xem nhẹ hồ sơ thiết kế, dù biết rằng ngôi nhà là tài sản lớn cần phải có sự nghiên cứu đầu tư đầy đủ. Bản vẽ thiết kế của ngôi nhà nếu không được đầu tư chỉnh chu hoặc thực hiện bởi đơn vị tư vấn thiết kế kém năng lực, sẽ khiến công trình có thiết kế không phù hợp với nhu cầu sử dụng, thiếu thẩm mỹ, không đảm bảo an toàn chịu lực, phát sinh chi phí, chậm tiến độ thi công, gây mâu thuẫn với thợ thi công xây dựng.
Vì thế, chủ nhà không nên xem nhẹ mức độ đầu tư cho thiết kế và nên tìm các đơn vị tư vấn thiết kế có kinh nghiệm, uy tín để thực hiện bản vẽ thiết kế.
3. Quản lý, phối hợp công việc và giám sát thi công xây dựng:
Trong quá trình thi công xây dựng, có rất nhiều bên tham gia thi công, bao gồm: Thợ xây dựng, điện nước, nội thất, sân vườn… Chủ nhà cần quan tâm đến việc quản lý, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các bên liên quan để tránh chồng chéo, chậm trễ, thi công sai phải tháo dỡ xử lý gây tốn kém chi phí, giảm chất lượng và kéo dài thời gian thi công.
Công tác giám sát thi công cũng cần phải thực hiện thường xuyên liên tục, tránh tình trạng thợ thi công sai thiết kế, sử dụng vật liệu kém chất lượng, thi công không đúng quy định. Chủ nhà có thể thuê các nhà thầu chuyên nghiệp để thi công trọn gói toàn bộ công trình và thuê tư vấn giám sát thi công trong suốt quá trình xây dựng nhà ở.
4. Một số lỗi thi công xây dựng khác dẫn tới ảnh hưởng chất lượng công trình:
- Sập công trình:
Trong quá trình xây dựng, sập nhà là sự cố nguy hiểm nhất, có thể gây thiệt hại đến tính mạng con người cũng như ảnh hưởng đến các công trình lân cận và gây rủi ro về pháp lý cho chủ nhà. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sập nhà như chủ nhà tự ý nâng thêm tầng, thay đổi kết cấu hoặc đơn vị thi công dùng hệ thống cốp - pha cây chống không đảm bảo chịu lực.
Chủ nhà có thể phòng tránh bằng cách tuân thủ đúng thiết kế, thuê đơn vị thi công có đủ năng lực, có đầy đủ thiết bị cốp-pha, đà giáo để xây dựng nhà.
- Nứt tường:
Những vết nứt tường, dù lớn hay nhỏ xuất hiện trên tường nhà không chỉ khiến không gian nhà ở mất đi tính thẩm mỹ mà còn tạo cảm giác ngôi nhà kém an toàn, không đảm bảo chịu lực. Nguyên nhân có thể do thiết kế không đảm bảo chịu lực hoặc thi công, bảo dưỡng không đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng vật liệu kém chất lượng.
Để tránh sự cố nêu trên, chủ nhà cần có đơn vị tư vấn thiết kế để đảm bảo công trình an toàn chịu lực, trong quá trình thi công cần giám sát đảm bảo thi công đúng quy định. Khi xuất hiện vết nứt, cần nhờ chuyên gia xây dựng có kinh nghiệm khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp xử lý đúng kỹ thuật.
- Thấm trần, tường, sàn:
Quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật dễ dẫn đến hiện tượng tường, trần và sàn nhà bị thấm nước khi trời mưa bão. Nước thấm vào nhà sẽ gây ẩm mốc, hư hỏng lớp sơn hoàn thiện và các đồ dùng nội thất, làm giảm chất lượng, tính thẩm mỹ công trình và làm công trình nhanh xuống cấp.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nêu trên như lỗi trong quá trình thi công kết cấu, bảo dưỡng bê tông, tường xây không đúng cách, không xử lý chống thấm hoặc chống thấm không đúng kỹ thuật, hệ thống thoát nước của ngôi nhà không tốt. Do đó, chủ nhà cần tìm người có chuyên môn để thiết kế và giám sát xây dựng, thuê đơn vị chống thấm chuyên nghiệp để có giải pháp chống thấm phù hợp cho từng cấu kiện tường bao che, nhà vệ sinh, sàn mái.
- Hệ thống điện, nước:
Trong ngôi nhà, phần không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sử dụng hằng ngày chắc chắn là điện, nước. Tuy nhiên, công việc này có một số chủ nhà không chú trọng, thường vẫn làm nhà theo cách xây đến đâu tính đến đó hoặc giao cho các nhóm thợ thực hiện theo kinh nghiệm mà không có hồ sơ thiết kế hoàn chỉnh. Nếu không được làm đúng ngay từ những bước đầu tiên thì việc thi công, sửa chữa sau này sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp gây tốn kém chi phí. Do đó, chủ nhà cần quan tâm đến việc thiết kế, giám sát và thi công hệ thống này, tránh hư hỏng không thể khắc phục được trong quá trình sử dụng sau này làm ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ công trình.