ClockThứ Ba, 20/12/2022 15:26

Nỗi lo từ đường tránh Huế

TTH - Đường tránh Huế - một đoạn Quốc lộ 1A hàng ngày có lưu lượng xe Bắc - Nam qua lại khá dày. Trong khi đó nhiều đoạn trên tuyến hẹp, hằn lún gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Xe giường nằm bốc cháy dữ dội trên đường tránh Huế

Phương tiện tham gia trên tuyến đường tránh Huế dày đặc vào giờ cao điểm

Đường tránh Huế dài hơn 35km, có điểm đầu từ phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) và điểm cuối kết thúc tại phường Phú Bài (TX. Hương Thủy). Xuất phát tại phường Phú Bài một đoạn, mặt đường tránh khá êm thuận, xe bon bon, nhưng đến khoảng 1-2km qua địa bàn phường Phú Bài và Thủy Châu (TX Hương Thủy) mặt đường ở đây xuất hiện những hằn lún kéo dài khá rõ. Đặc biệt, điểm hư hỏng thường xuất hiện chủ yếu ở phía trong vạch sơn phân chia làn giữa làn xe cơ giới và làn thô sơ với các đặc điểm mặt đường bị nứt gãy, nổi "sóng trâu" nếu xe chạy nhanh và vào ban đêm thì khá nguy hiểm. Tại một số cầu trên tuyến cũng xuất hiện hư hỏng ở các khe co giãn...

Theo phản ánh của giới tài xế đường dài, chỉ riêng đoạn qua địa bàn phường Phú Bài đã thấy đường mấp mô, nhiều đoạn cua đường hẹp, một số đoạn chưa thực sự an toàn với xe 2 bánh nên tài xế phải căng mắt, vì lo sợ gặp tai nạn, nếu như không "cứng" tay lái hoặc quen đường. Anh Lê Văn Nam, một tài xế xe khách đường dài Bắc - Nam ở TP. Huế chia sẻ: "Đường tránh Huế nhiều điểm hằn lún, nhanh xuống cấp. Hiện nay có nhiều xe chở đất đá qua lại khiến đường xuống cấp nhanh hơn. Các xe mô tô di chuyển khi chuyển làn sẽ rất nguy hiểm, dễ trượt ngã".

Di chuyển trên tuyến đường này đến địa bàn phường Hương Xuân, Tứ Hạ (TX. Hương Trà) tình trạng mặt đường sụp lún không kém ở địa bàn TX. HươngThủy. Đặc biệt, trên tuyến có đoạn gần các điểm mỏ khoáng sản, nhiều phương tiện xe tải hạng nặng lưu thông. Trên mặt đường nham nhở các vật liệu rơi vãi, đá bắn khi phương tiện lưu thông với tốc độ cao là điều kinh hãi với các tài xế. "Nếu chạy ngược chiều, đá dăm rơi vãi trên đường bắn vào xe đối diện thì rất dễ vỡ kính. Nhiều phương tiện gặp nguy hiểm vì tình trạng rơi vãi vật liệu từ các mỏ đất, đá ra mặt đường", một tài xế ở TP. Huế đồng hành với chúng tôi chia sẻ.

Phương tiện tham gia giao thông trên đường tránh Huế phóng nhanh, vượt ẩu, đạp làn...

Quan sát thực tế tại khu vực Thủy Bằng, TP. Huế, có nhiều đoạn đã nằm sát cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thi công, đất đá rơi vãi, mặt đường bong tróc; lượng xe qua lại theo hướng Bắc - Nam và các hướng về trung tâm TP. Huế, đi A Lưới làm tài xế rất lúng túng. Tại đây nếu tài xế không cẩn thận điều khiển phương tiện thì nguy cơ TNGT xảy ra rất cao.

Từ đầu năm 2022 đến nay đã có nhiều vụ TNGT xảy ra trên đường tránh Huế. Mới đây vào tối 9/11, tại Km17+500 đường tránh Huế (Hương Thọ, TX. Hương Trà) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe ô tô tải và xe khách. Hậu quả có 2 người tử vong, 13 người khác bị thương và hai phương tiện đều bị hư hỏng nặng.

Đề cập thực trạng tuyến đường tránh Huế hiện nay, lãnh đạo Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Quản lý đường bộ 2, Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hàng năm đơn vị thường theo dõi, kiểm tra hạ tầng tuyến để phối hợp cùng với đơn vị bảo trì duy tu, sửa chữa, như vá ổ gà; các vết trồi lún cào bóc tái chế mặt đường bằng phẳng... Đây là tuyến huyết mạch, hàng ngày luôn phải "gánh" lượng xe qua lại khá đông không chỉ phục vụ vận tải khách Bắc - Nam và các công trình trọng điểm ở địa phương, như cao tốc Cam Lộ - La Sơn nên nhanh sụp lún, xuống cấp là đều dễ hiểu. Hiện nay đơn vị đang xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa để đảm bảo toàn tuyến êm thuận... và có giải pháp khắc phục kịp thời, bổ sung thêm biển báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ...

Nỗi lo từ đường tránh Huế hiện không chỉ từ yếu tố cơ sở hạ tầng nhỏ hẹp, xuống cấp mà còn ý thức của người, phương tiện tham gia giao thông. Để ATGT trên tuyến, rất mong lực lượng chức năng địa phương tiếp tục tuần tra, kiểm soát; tập trung xử lý xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, tránh, vượt sai, nồng độ cồn, chở quá tải..., nhất là Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề.

Đường tránh Huế khởi công năm 2001 với tổng vốn hơn 385 tỷ đồng. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, với chiều rộng nền đường 12m, mặt đường 11m. Năm 2003, tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau đó, đường này nhanh chóng xuống cấp. Tháng 7/2012, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, BQLDA 6 của Bộ Giao thông Vận tải và các nhà thầu đã tổ chức khởi công gói thầu đầu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp đường phía Tây TP. Huế với tổng mức đầu tư 482 tỷ đồng. Đầu năm 2014, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Vơi bớt nỗi lo sạt lở

Nỗi lo sạt lở của các hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) thường trực nhiều năm nay như được vơi bớt khi HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (DA) Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.

Vơi bớt nỗi lo sạt lở
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top