ClockThứ Năm, 17/02/2022 13:30

Quản lý thị trường bất động sản lành mạnh - kỳ 1: “Cò” có thao túng được giá đất?

TTH - Nhu cầu, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào bất động sản (BĐS) của người dân cũng là điều kiện để hoạt động môi giới BĐS nở rộ. Cầu nối “trung gian” giữa người mua và bán này đang tác động không nhỏ đến thị trường BĐS, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Thị trường bất động sản "hứa hẹn" từ những tín hiệu tích cực

Một môi giới BĐS đang giới thiệu tiềm năng, lợi thế của sản phẩm đến khách hàng có nhu cầu đầu tư

Hai mặt của vấn đề

Những năm gần đây, hoạt động môi giới BĐS mà chúng ta thường gọi là "cò" đất nở rộ và có mặt ở hầu khắp các thị trường, các phân khúc, loại hình BĐS. Đây là một dịch vụ được nhiều giới quan tâm tham gia bởi điều kiện, trách nhiệm cũng như thù lao của dịch vụ này thật sự hấp dẫn và đem lại nguồn lợi cao. Các chủ thể kinh doanh dịch vụ này cũng không cần thiết phải có quá nhiều vốn và cũng không chịu nhiều trách nhiệm đối với hoạt động của mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, để kinh doanh được dịch vụ môi giới BĐS thì các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định tại các luật liên quan.

N.H.H. là giáo viên dạy môn âm nhạc ở một trường cấp 2, cách đây khoảng 3 năm, cơ duyên trong một lần có đồng nghiệp cần bán mảnh đất để xây nhà cho con, thế là H. H mách miệng, làm trung gian cho bên mua và bên bán, được chủ đất trích hưởng 2% hoa hồng trong số tiền bán được. "Thú thật, với nghề giáo viên, cầm trong tay mấy triệu bạc quý lắm. Thấy duyên tới, rứa là mình tranh thủ chạy thêm và xem đây như nghề tay trái để kiếm thêm đồng ra đồng vô".

Khi hỏi về giấy phép hành nghề môi giới BĐS, anh H. H. mạnh dạn: "Để khách hàng tin tưởng và hoạt động đúng luật, mình buộc phải đăng ký khóa đào tạo để xin cấp chứng chỉ hành nghề. Phải nắm vững kiến thức, các văn bản pháp luật, các chiêu thức kinh doanh nhưng phải hợp pháp, thiện chí thì mới tồn tại bền vững với nghề".

Quả thực hiện nay, nhân viên môi giới BĐS là người không thể thiếu trong việc kinh doanh BĐS. Bởi họ chính là người trực tiếp làm nhiệm vụ kết nối giữa bên mua và bên bán, giúp các giao dịch mua bán diễn ra thành công.

T. N, cũng là "cò" đất có tiếng ở địa bàn huyện Đ. bày tỏ: Một số người vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với giới "cò" đất tụi mình. Nhưng thực tế, cũng chính nhờ những con "cò" mà thị trường đất đai sôi động lên. Nhiều khu đất vốn rất trầm lắng, ảm đạm thì giờ đã lộ diện được giá trị. Nhiều khu đất Nhà nước đưa ra đấu giá trước đây không ai mua hay đất trong dân chẳng ai ngó ngàng thì giờ số lượt người tham gia đấu, mức giá tăng lên, việc giao dịch mua bán đất nền trong dân cũng được giá. Như vậy, vô hình chung, những người môi giới BĐS cũng đang tác động tích cực đến việc tăng thu ngân sách, tăng giá trị đất đai, thu hút nhà đầu tư về địa phương.

Ngoài những mặt được mà giới "cò" đất mang lại, thời gian qua, nhiều người có nhu cầu về đất ở thực sự lại đang rất đau đầu vì giá đất tăng vọt lên gần gấp rưỡi, gấp đôi chỉ trong vòng một năm vì lượng cò, giới đầu tư sinh lời hoạt động mạnh.

Anh Nguyễn Hoàng Kha, viên chức trong ngành văn hóa thể thao tâm sự: "Mới giữa năm trước, mình chưa kịp chốt cọc vì còn lưỡng lự mua mảnh đất nằm trong con hẻm nhỏ ở phường Thủy Xuân, TP. Huế, thế là cách mấy tháng sau, giá đất từ 1,1 tỷ đồng tăng lên 1,7 tỷ đồng. Tìm lại chủ cũ thì được biết sổ đỏ đã trao qua bán lại 3 tay, bảo sao đất không đội giá mới là chuyện lạ!".

Chưa "vượt rào"

Phải nói rằng, thị trường BĐS đối với phân khúc đất nền trên địa bàn tỉnh hiện đang sôi động. Nhất là các khu vực mở rộng địa giới hành chính TP. Huế, những nơi có hạ tầng kỹ thuật đang được đầu tư hoàn chỉnh, các dự án giao thông, du lịch dịch vụ... đang được triển khai đã thúc đẩy thị trường đi lên.

Việc "ấm" lên của thị trường một phần do nhu cầu mua đất ở của người dân tăng và do giới đầu cơ đất đai đang lợi dụng việc mua đi bán lại đất để kiếm lời. Lý giải nguyên nhân này là do quan điểm đầu tư của người dân đã thay đổi, thay vì gửi tiền vào ngân hàng, mua vàng, chơi cổ phiếu... thì đa phần chọn kênh đầu tư BĐS. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng, đây không hẳn là đầu tư ồ ạt, đầu tư thiếu hiểu biết. Hơn nữa, giá đất ở thị trường Thừa Thiên Huế hiện nay so với mặt bằng chung đối với khu vực và các tỉnh, thành phát triển là còn quá rẻ, chưa quá nóng để khó sở hữu hoặc đầu tư sinh lãi. Do vậy, chưa có căn cứ để nhận định thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh là đang trong giai đoạn bất ổn, "bong bóng", sốt giá đất ảo... Giá cả tuy có tăng nhưng vẫn ở mức phù hợp, tương xứng giá trị với từng vị trí sản phẩm BĐS.

Nhiều nhà quản lý nhìn nhận và phân tích, người Huế rất "thận trọng", không dễ bị lừa. Thông thường khi muốn mua đất, nhà để ở hay để đầu tư, người có nhu cầu thường tìm đến môi giới quen biết, tin tưởng hoặc các công ty BĐS hoạt động có uy tín, pháp lý rõ ràng để tìm hiểu kỹ thửa đất, dự án trước khi ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng và tất nhiên đều trên tinh thần "thuận mua vừa bán".

Tuy vậy, thời gian qua trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng một số dự án thực hiện giao dịch BĐS sai phạm về các quy định về Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Dân sự, dẫn đến khách hàng khiếu nại. Một số chủ đầu tư dự án BĐS ký hợp đồng với các sàn giao dịch BĐS, đơn vị tư vấn bán hàng khi chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 2: Công cụ để ổn định, lành mạnh thị trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG:
Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm

Đó là quan điểm và tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh trước thực trạng người dân xây dựng, lắp đặt các biển hiệu, biển quảng cáo lấn chiếm công trình, vỉa hè, che khuất hệ thống an toàn giao thông (ATGT), phần đường dành cho người đi bộ… làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, trật tự ATGT.

Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm
Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top