ClockThứ Năm, 12/09/2013 05:34

Sông ở Huế - tiềm năng về du lịch

TTH - Trong định hướng phát triển du lịch, Huế sẽ khai thác tuyến du lịch bằng thuyền liên kết với các kênh đào trong Kinh thành; liên kết các kênh trong Kinh thành với đầm Học Hải và liên kết các tuyến du lịch bằng đường bộ tới hồ Tịnh Tâm; liên kết các di tích lịch sử và thiên nhiên của Huế để tạo thành một tài nguyên du lịch tương tự như ở Venice, Macau...
 
Ý tưởng về tour tuyến
 
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong lộ trình du lịch, nhiều du khách hứng thú với hành trình trải nghiệm trên sông nước, bởi vậy nhiều tour tuyến du lịch đã được hình thành. Tại châu Âu, sản phẩm du lịch trên sông được rất nhiều thành phố khai thác như Paris, Vienice (Pháp), London (Anh), Florence (Ý), Amsterdam (Hà Lan), Saint Petersbourg (Nga)... Không ít thành phố ở châu Á đã thành công khi đưa những dòng sông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi vùng, như Seoul (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore và ở một số thành phố tại Việt Nam... Cảm giác thư thái khi du thuyền trên sông, được khám phá những công trình kiến trúc độc đáo và nghe giới thiệu về lịch sử của một vùng đất mới lạ, với du khách có lẽ không gì tuyệt vời bằng.
 

Sông Ngự Hà sau khi được nạo vét

 
Riêng ở Huế, trong số các sông, sông Hương được khai thác từ lâu và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhiều du khách ấn tượng mãi về miền núi Ngự, sông Hương khi có dịp ngồi trên thuyền rồng, ngược dòng Hương lên tham quan chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, chùa Minh Mạng... Đêm về nghe ca Huế trên sông, ngắm Cố đô khi màn đêm buông xuống, thưởng thức những món ăn nổi tiếng... Dẫu vậy, lãnh đạo TP Huế cũng thừa nhận, việc khai thác dòng sông này vẫn mang tính chất đơn lẻ, dịch vụ đơn điệu, chưa có sự kết hợp với các dòng sông khác.
 
Thông tin mới nhất, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương giao cho Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư nông nghiệp - nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch (STO) triển khai dự án 3H kết nối tuyến du lịch sông Hương (Huế) - sông Hàn (Đà Nẵng) - sông Hoài (Hội An). Dự kiến tour “3 sông” này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Theo ông Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, khi việc nạo vét, tôn tạo hai bên bờ sông Ngự Hà hoàn thành và môi trường ở sông được đảm bảo, có thể thực hiện tour du lịch lý tưởng trên các sông Hương - Đông Ba - Ngự Hà; hay từ các sông Ngự Hà – Kẻ Vạn – sông Hương lên thăm chùa Linh Mụ, điện Hòn Chén hoặc từ Đại Nội theo đường bộ rồi du thuyền trên sông Ngự Hà... Du thuyền trên “dòng sông vua”, khách có thể hiểu được lịch sử của một vùng đất, từ các dấu tích hình dung ra kiến trúc thời vua Nguyễn... Riêng sông Hương, ngoài các sản phẩm du lịch như trước đây, có thể tổ chức thêm tuyến du lịch thăm phổ cổ Bao Vinh, Ngã ba Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên, hoặc kết nối sông Hương với các địa danh trên phá Tam Giang như một số công ty du lịch đang triển khai... Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nhận định: “Hình thành tour du lịch trên sông Ngự Hà sẽ rất lý tưởng. Song để việc này trở thành hiện thực thì cần có sự phối hợp của nhiều ngành và các doanh nghiệp lữ hành. Trước mắt, cần đầu tư để hoàn thiện phần bờ kè, tôn tạo cảnh quan hai bên bờ sông và xác định rõ các điểm làm dịch vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng mở quán nhậu bừa bãi, vứt rác và gây ô nhiễm dòng sông này”.
 
Và các dịch vụ
 
Theo Quy hoạch phát triển Du lịch bền vững TP Huế đến năm 2020 đã được phê duyệt, các sông ở Huế sẽ có nhiều dịch vụ du lịch mới. Đáng chú ý như diễu hành thuyền rồng truyền thống kèm biểu diễn âm nhạc và ánh sáng từ Cồn Dã Viên về Cồn Hến, từ đó tạo một bầu không khí lễ hội, làm cho dọc hai bên bờ sông vào đêm thêm hấp dẫn. Dịch vụ này được TP Huế xây dựng từ kinh nghiệm các điểm đến du lịch trên thế giới nhằm thu hút khách du lịch dừng chân ở Huế lâu hơn.
 
Đối với các sông trong Kinh thành, hướng của TP Huế là phục hồi chòi nổi, nhà nổi hai bên sông đào thành những nhà hàng nhỏ thân thiện môi trường, phục vụ các món ăn truyền thống Huế trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó còn có những quầy bán hàng lưu niệm... Theo ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, các dịch vụ vui chơi, giải trí khác trên sông nước cũng sẽ được nghiên cứu triển khai nếu các doanh nghiệp có ý tưởng và đề xuất trong tương lai.
 
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch cho rằng, Huế có tiềm năng lớn về phát triển du lịch trên sông nước, nhưng để thực hiện được cần phải có thời gian thích ứng. Nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng mà TP Huế và các ngành đưa ra, tuy nhiên, cách làm như thế nào để vừa đẩy mạnh phát triển du lịch trên sông nước, vừa phát huy được bản sắc văn hoá Huế, đảm bảo môi trường, cảnh quan là điều mà mọi người mong muốn tỉnh, TP các các ngành chức năng phải nghiên cứu, tính toán kỹ.
 
Và dĩ nhiên, trước khi có kế hoạch đưa một số dòng sông ở Huế vào khai thác du lịch, TP phải quan tâm đến vấn đề khơi thông các dòng chảy nhằm tạo một hệ thống thủy đạo tốt, tiếp đến là xây dựng các bến đỗ, tạo cảnh quan hai bên sông... Ngay từ bây giờ, điều mà TP cần làm là tập trung nhiều hơn đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chống lấn chiếm bờ sông...
Bích Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà thầu xin trả lại hạng mục chưa thi công vì không có mặt bằng

Nhà thầu thi công gói thầu số 28 thuộc Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh), xin trả lại các hạng mục chưa thi công và hỗ trợ một phần chi phí do thời gian giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài làm thay đổi kế hoạch vật tư thiết bị, giá thành lúc dự thầu.

Nhà thầu xin trả lại hạng mục chưa thi công vì không có mặt bằng
Gỡ “nút thắt” giao thông phía tây vào cao tốc

Nhiều năm qua, giao thông tại các cửa ngõ vào TP. Huế rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt hướng phía tây thuộc Quốc lộ (QL) 49A nối trung tâm thành phố vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn thường xuyên ùn tắc cần phải sớm mở rộng.

Gỡ “nút thắt” giao thông phía tây vào cao tốc
Đầu tư hạ tầng cảng biển

Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển cùng hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng các dự án (DA) đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá.

Đầu tư hạ tầng cảng biển
Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

TIN MỚI

Return to top