ClockThứ Sáu, 18/08/2023 06:50

Sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn đập Thảo Long

TTH - Sau nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng, công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long (TP. Huế) đã hư hỏng, xuống cấp nhiều hạng mục. Việc nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả và chủ động trong quản lý vận hành công trình là vấn đề cấp bách hiện nay.

Cần sớm nâng cấp, sửa chữa công trình đập Thảo Long

leftcenterrightdel
 Đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long xuống cấp nhiều hạng mục

Công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long có vị trí nằm trên hạ lưu sông Hương (TP. Huế) được khởi công xây dựng từ tháng 8 năm 2001, hoàn thành cơ bản đưa vào khai thác từ tháng 6 năm 2006, với tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng.

Quy mô công trình gồm cống ngăn mặn được thiết kế với khẩu độ thông nước 480,5m, gồm 15 khoang, mỗi khoang rộng 31,5m và một khoang âu thuyền. Cầu giao thông được thiết kế với mặt cầu rộng 10m. Cửa van trục dưới bằng thép CT3, việc đóng, mở cửa van được thực hiện bằng hệ thống xy lanh thủy lực.

Từ khi đi vào sử dụng đến nay, công trình đã phát huy nhiệm vụ chính là ngăn mặn, giữ ngọt cho hệ thống sông Hương, sông Bồ, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch ở sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, các cửa van bằng vật liệu thép CT3, thiết bị thủy lực, thiết bị điện, điện tử lắp đặt ngoài trời, chịu nhiều tác động động bất lợi của môi trường nhiễm mặn, độ ẩm, giông sét nên cũng dễ hư hỏng theo thời gian.

Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) - đơn vị quản lý đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, hiện nay công trình đã xuống cấp hư hỏng, đặc biệt, do không được thiết kế cửa van dự phòng nên trong trường hợp có sự cố hư hỏng cửa van xảy ra, không đóng hoặc mở được thì gây ra hậu quả rất lớn.

Hiện trạng lòng dẫn thượng, hạ lưu cống ngăn mặn bị bồi lắng với khối lượng lớn, bình quân hàng năm lên đến hàng ngàn m3, gây kẹt cửa và cản trở dòng chảy. Hàng năm Công ty Thủy lợi đã tổ chức nạo vét một phần hạ lưu cống để xử lý kẹt cửa. Hai mố bên phía bờ Bắc và Nam của cống cũng bị lún sụt, có vị trí từ cao trình +1.2 xuống +0.8.

Hầu hết các cửa cống có hiện tượng xói lở dưới cọc cự dầm đáy, dòng chảy xuyên qua rất lớn ảnh hưởng đến công tác ngăn mặn, giữ ngọt và về lâu dài làm mất ổn định công trình. Phần tiếp giáp đường dẫn và mố cầu giao thông bị lún sụt, nứt gãy gây ảnh hưởng cho quá trình giao thông đi lại, mái bảo vệ mố phản áp phía bờ Nam, bờ Bắc bị lún sụt hư hỏng, tuy đã được phía Công ty cổ phần Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình tỉnh khắc phục tạm thời nhưng vẫn đối diện nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, cửa van với kết cấu dầm và bản mặt cửa được làm bằng thép CT3, hiện đã bung rỉ, ăn mòn do làm việc trong môi trường nhiễm mặn, bản mặt có nhiều điểm bị ăn mòn 3 - 4mm, chỉ còn lại 6-7mm. Hệ cụm cối trục dưới cửa van (12 cụm trục/1 cửa) đã bung rỉ, ăn mòn, hư hỏng dẫn đến trục trượt khỏi vị trí, hàng năm qua kiểm tra của Công ty Thủy lợi, có những cửa bị trượt đến 3-4/12 cụm trục gây mất an toàn trong quá trình vận hành công trình.

Hiện nay, hệ thống thủy lực đóng, mở các cửa van đã xuống cấp, hư hỏng, hầu hết các cửa đóng mở rất chậm (thời gian đóng hoặc mở có cửa lên đến 30 phút thay vì dưới 10 phút như những năm đầu đưa vào vận hành). Một số cửa nhiều lúc không vận hành đóng, mở được để điều tiết nguồn nước, buộc công ty phải xử lý tạm thời bằng cách tháo dỡ hệ thống thủy lực của cửa khác để thay thế nên rất mất an toàn…

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi cho biết, với quy mô, nhiệm vụ công trình hết sức quan trọng, nhưng ngân sách địa phương có hạn. Việc đầu tư nguồn vốn cho công tác duy tu, sửa chữa nhằm chống xuống cấp, đảm bảo công trình vận hành ổn định đáp ứng nhiệm vụ là hết sức cần thiết hiện nay.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có quyết định phê duyệt Dự án thành phần số 8: Sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn đập Thảo Long (thuộc Dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước) và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 348 tỷ đồng.

Dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn đập Thảo Long sẽ xử lý chống thấm nền đập ngăn mặn bằng cừ thép Larsen IV từ khoang số 1 đến hết khoang số 15, với chiều dài 495m. Kết hợp cừ thi công làm cừ chống thấm với chiều sâu phần cừ chống thấm 13m. Xử lý các khe rỗng dưới dầm dàn van bằng hình thức phun áp lực cao hỗn hợp cát trộn xi măng. Gia cố hố xói, lòng dẫn hạ lưu công trình bằng đá hộc, lớp rọ đá trên phạm vị 24m đối với 6 khoang bờ Bắc và 44m đối với 9 khoang bờ Nam.

Phần cơ khi, thay mới 6 cửa van và đại tu, sửa chữa 9 cửa van. Thay mới toàn bộ các cụm kín nước đáy và cụm nước bên tại 15 cửa. Kết cấu cụm kín nước bằng thép Sus304, bu lông chịu lực bằng thép không rỉ, kín nước bằng cao su tấm và cao su củ tỏi. Bố trí cụm kín nước bên và đáy thuận lợi cho việc sửa chữa, thay thế gioăng và bảo dưỡng cửa van.

Khoang âu thuyền, thay mới cửa âu thượng và cửa âu hạ bằng thép không rỉ; trục cối, bu lông chịu lực được chế tạo, thay thế bằng thép không rỉ cường độ cao; kín nước bằng cao su tấm và cao su củ tỏi. Thay mới hệ thống xi lanh đóng, mở cửa van chính và cửa van cấp thoát nước buồng âu.

Ngoài ra, nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện điều khiển các van tại công trình và nhà quản lý. Sửa chữa, nâng cấp nhà quản lý, bờ bao kết hợp đường quản lý hai đầu đập Thảo Long. Chỉnh trang cầu giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, biển báo. Xây dựng hệ thống giám sát phục vụ quản lý, vận hành công trình.

UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ thực hiện một số dự án như nâng cấp đảm bảo an toàn cho 12 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh với kinh phí 220 tỷ đồng. Kè chống sạt lở bờ sông và nạo vét các trục thủy đạo ở hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Truồi, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Dự án nâng cấp hệ thống đê điều và các cống trên đê ven Phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn thực phẩm tại các trường học

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nói chung và tại các cơ sở giáo dục (CSGD) nói riêng. Để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ giáo viên và học sinh, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại các CSGD trên địa bàn.

An toàn thực phẩm tại các trường học
A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024

Sau 2 năm (2022 - 2023) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến nay “bộ mặt” huyện A Lưới đã có nhiều khởi sắc, công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.

A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024
Đảm bảo an ninh, an toàn dịp lễ

Những ngày qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) để cơ động xử lý tình huống khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp lễ.

Đảm bảo an ninh, an toàn dịp lễ
Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống

TIN MỚI

Return to top