ClockChủ Nhật, 19/06/2022 08:40

Thời tiết, “bão giá” cản trở thi công cao tốc bắc-nam

Thời tiết thất thường, cùng với “bão giá” các loại vật liệu xây dựng, nhiên liệu đã gây rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thi công các dự án thành phần cao tốc bắc-nam.

Khẩn trương hoàn thành dự án cao tốc Bắc – NamKỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có thể hoàn thành đúng tiến độQuyết tâm hoàn thành 2.500km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025

Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 được đánh giá đạt tiến độ thi công tốt nhất trong bốn dự án cao tốc bắc-nam cán đích năm 2022.

Hiện nay đã sắp bước sang quý III, tại các dự án thành phần cao tốc bắc-nam theo kế hoạch hoàn thành năm 2022, các nhà thầu đang huy động nguồn tài chính lớn, gấp rút thi công lớp móng, mặt đường, nhưng nhiều địa phương đến nay mới công bố chỉ số giá quý IV/2021 hoặc quý I/2022, khiến việc điều chỉnh giá chậm, nhà thầu có tâm lý cầm chừng.

Mưa lớn kéo dài

Giữa tháng 6 này, những gói thầu đầu tiên thuộc dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Cam Lộ-La Sơn bắt đầu vào giai đoạn “chạy nước rút”, thời gian cán đích được tính bằng ngày. Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý cho hay, tất cả các đơn vị đang tập trung sức, dồn lực đêm ngày để đưa sáu trong tổng số 11 gói thầu về đích trong tháng này. Vấn đề đáng lo ngại nhất là theo dự báo thời tiết, nửa cuối tháng 6 trời đổ mưa liên tục, khiến tiến độ dự án khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Chỉ một trận mưa to, hàng nghìn công nhân, hàng trăm thiết bị, máy móc phải nằm chờ khu vực thi công khô ráo mới triển khai được tiếp. Sản lượng thi công dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn hiện đạt khoảng 88% giá trị hợp đồng, chậm 1,5% so kế hoạch do địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 20 ngày mưa trong vòng một tháng trở lại đây.

Tại hai dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, hơn hai tháng qua (từ tháng 4 đến nay), thời gian mưa cũng chiếm trọn một tháng, khiến tiến độ thi công cũng chưa đạt như mong muốn. Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết đạt khoảng 40,85% giá trị hợp đồng, chậm gần 2% so tiến độ cam kết; dự án Phan Thiết-Dầu Giây đạt 46,7%, chậm khoảng 3,8% so kế hoạch.

Dự án thành phần Mai Sơn-quốc lộ 45 được đánh giá đạt tiến độ thi công tốt nhất trong bốn dự án cán đích năm 2022 với ba phần năm gói thầu vượt kế hoạch, hai gói còn lại cũng cơ bản đáp ứng kế hoạch. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long vẫn tỏ ra hết sức lo lắng vì tiến độ triển khai thi công các lớp móng mặt đường gần đây bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng.

Từ tháng 5 trở lại đây, địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có tới 18 ngày mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thi công. Ông Lê Doãn Bắc, chỉ huy trưởng thi công gói thầu XL11 (nhà thầu Cường Thịnh Thi) của dự án cho hay, nhà thầu đảm nhiệm thi công đoạn km289+500-Km296+940, hiện đã bắt đầu thảm bê-tông nhựa đại trà. Theo mục tiêu, đến hết tháng 6, đơn vị sẽ hoàn thành thi công lớp cấp phối đá dăm gia cố xi-măng, cuối tháng 7 sẽ thảm xong lớp nhựa C19.

Tuy nhiên, giá vật liệu tăng phi mã thời gian qua khiến nhà thầu đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Tổng giá trị của Cường Thịnh Thi tại gói thầu khoảng 387 tỷ đồng, hiện tại trượt giá nguyên, nhiên liệu ở mức khoảng 30% so thời điểm trúng thầu, trong khi chỉ số trượt giá vật liệu ở địa phương chỉ khoảng từ 4% đến 5%. Nhà thầu Vinaconex thi công đoạn Km409+500-Km419+600 dự án Nghi Sơn-Diễn Châu với giá trị hợp đồng 890 tỷ đồng, hiện đơn giá thi công thực tế phát sinh khoảng 30%, trong khi tỷ lệ bù giá được hưởng chỉ 3%.

Xử lý nhà thầu chậm tiến độ

Bộ Giao thông vận tải nhận định, ngoài các nguyên nhân khách quan, tiến độ thi công chậm còn do một số nhà thầu chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng; chỉ đạo các địa phương công bố chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, bảo đảm có đầy đủ thông báo giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng. Đây là giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công.

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, ở đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km), xử lý vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, Bộ đã có văn bản gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương hỗ trợ, ưu tiên và tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục, tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác vật liệu. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 cắt chuyển 21km của nhà thầu chậm tiến độ, giao cho nhà thầu khác thi công và thực hiện thủ tục bổ sung nhà thầu phụ để thi công khoảng 4km trong tháng 6.

Các nhà thầu đang tổ chức tăng ca, kíp thi công, bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 tới. Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km), nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ do thời tiết không thuận và biến động giá vật liệu xây dựng. Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu đã rà soát, xây dựng lại tiến độ và cam kết hoàn thành trong năm 2022. Bộ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long theo dõi chặt chẽ tiến độ của nhà thầu, kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ.

Đối với 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025, tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố đang được triển khai đáp ứng các mốc tiến độ. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, dự án đang được gấp rút triển khai với khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung công việc quan trọng, phức tạp cần sự phối hợp tích cực, hiệu quả và sớm hoàn thành của các bộ, ngành và các địa phương.

Về nguồn cát đắp cho hai dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án giao thông. Nếu nghiên cứu thí điểm thành công, đến cuối năm 2023 mới có thể áp dụng, do đó trong giai đoạn 2023-2024, các dự án vẫn sử dụng nguồn cát sông là chủ yếu.

Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án cao tốc bắc-nam yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho bốn dự án thành phần trước ngày 20/6/2022. Bộ cũng đề nghị các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng sớm có ý kiến để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện quy định về chỉ định thầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy mô, giá trị gói thầu, tiêu chuẩn đánh giá, quy trình thẩm định, quyết định chỉ định thầu các gói thầu xây lắp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6 tới làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thi công đảm bảo tuổi thọ kết cấu bê tông

Những sai sót hay sơ suất trong quá trình thi công sàn nhà bê tông cốt thép nói riêng và bê tông cốt thép nói chung là điều cần tránh, nhằm đảm bảo chất lượng công trình.

Thi công đảm bảo tuổi thọ kết cấu bê tông
Tăng chất lượng cảnh báo với các công trình cầu đường trước thiên tai

Những ngày qua, liên tiếp các cơn bão đã đổ bộ vào nước ta gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống; trong đó, bảo đảm giao thông thông suốt là nhiệm vụ cấp bách. Nhất là trong bối cảnh diễn biến của bão và hoàn lưu bão gây nguy cơ sập các cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm.

Tăng chất lượng cảnh báo với các công trình cầu đường trước thiên tai

TIN MỚI

Return to top