ClockThứ Năm, 29/08/2019 20:48

Thu hút nhà đầu tư chiến lược

TTH - Với trên 140 dự án, tổng vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng, các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn đang trở thành địa chỉ “vàng” của các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Đầu tư trọng điểm, tạo diện mạo cho đô thịChủ động tìm kiếm các nhà đầu tư có uy tínTìm nhà đầu tư chiến lược, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Những dự án du lịch chất lượng cao 

Thuộc địa bàn xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), chạy dọc bờ biển Cảnh Dương, cuối năm 2019, khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải do Tập đoàn Vicoland đầu tư sẽ đưa vào hoạt động, tạo điểm nhấn cho khu kinh tế (KKT) Chân mây - Lăng Cô và tạo thêm địa chỉ du lịch chất lượng cao phục vụ du khách.

Thi công Bến cảng số 3 Chân Mây. Ảnh: M.Lê

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vicoland, ông Hồ Văn Thu thông tin, với tổng vốn 830 tỷ đồng, khu nghỉ dưỡng gồm 52 biệt thự, hệ thống khách sạn có qui mô 110 phòng ngủ và trung tâm dịch vụ tổng hợp tiêu chuẩn 5 sao. Hiện, doanh nghiệp (DN) đang hoàn thiện nội thất cho 40 biệt thự và 6 khối khách sạn để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019, đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng 12 biệt thự biển với giá trị đầu tư đến thời điểm này khoảng 650 tỷ đồng.

Cùng với các dự án du lịch, lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng cảng biển được đầu tư xây dựng góp phần hoàn thiện hạ tầng KKT. Hiện, dự án Bến số 3 cảng Chân mây đã hoàn thành phần đóng cọc kè và xây dựng bờ kè, đang thi công san lấp mặt bằng, ép cọc và thi công cầu cảng với tổng vốn thực hiện khoảng 350 tỷ động, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động; Bến số 2 đang thi công cầu cảng và sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020.

Trưởng ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh, ông Lê Văn Tuệ thông tin, với mục tiêu thành lập đô thị Chân Mây - Lăng Cô, ban đang đẩy mạnh phát triển KKT theo hướng nhanh và bền vững. Trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, tạo môi trường hấp dẫn thu hút khách; đồng thời đẩy mạnh các dự án hạ tầng xử lý nước thải, bến cảng, đường giao thông nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất, đi lại và kinh doanh dịch vụ của các DN.

Hiện, dự án thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp (KCN) và khu phi thuế quan có tổng mức đầu tư 267 tỷ đồng đã hoàn thành; các dự án trọng điểm như bến cảng số 2, số 3 và đê chắn sóng sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2020 để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cảng Chân mây sẽ có 3 cầu cảng, đáp ứng 6 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm.

Hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp

Sau thời gian nghiên cứu và khảo sát thực địa, cuối năm 2018, Công ty CP Công nghệ Frít Phú Sơn quyết định đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất men frit công suất 30.000 tấn/năm tại KCN Phú Đa và đưa vào vận hành tháng 6/2019.

Đóng gói sản phẩm men frit tại Khu công nghiệp Phong Điền. Ảnh: THANH HƯƠNG

Trưởng phòng Tổ chức hành chính, ông Trần Hữu Thiện cho biết, đặt nhà máy tại KCN Phú Đa DN gặp khá nhiều thuận lợi nhờ quỹ đất rộng để tập kết nguyên vật liệu, hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ và lực lượng lao động trẻ dồi dào giúp DN ổn định sản xuất. Sau 2 tháng vận hành thử với công suất 2.000 tấn/tháng, dự kiến cuối năm 2019, DN tiếp tục đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất và nâng công suất lên 30.000 tấn/năm để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác.

Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, năm 2019, hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ. Trong đó, 700ha tại KCN Phong Điền đều có nhà đầu tư hạ tầng với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, KCN Tứ Hạ đã thu hút nhà đầu tư hạ và cam kết sẽ hoàn thành các hạng mục vào cuối năm 2019 để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, KCN La Sơn tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 và 3 với diện tích 85ha.

Hạ tầng đồng bộ, công tác thu hút đầu tư vào các KCN thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, các KCN đã thu hút 3 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký trên 600 tỷ đồng. Hiện, có 1 dự án đã hoàn tất việc khảo sát và lựa chọn địa điểm, đang chờ các thủ tục để cấp phép đầu tư, đó là dự án nhà máy sản xuất sợi PE và găng tay công suất 800.000 tấn sợi và 10 tỷ sản phẩm găng tay/năm của Công ty Kanglongda Việt Nam. Đây là dự án quy mô lớn có vốn đăng ký 210 triệu USD, đầu tư tại KCN Phong Điền trên diện tích 35ha.

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Những tháng đầu năm 2019, Thừa Thiên Huế thu hút nhiều nhà đầu tư, đối tác nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội, chủ yếu từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh đã tiếp xúc những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính để đầu tư các dự án quy mô lớn, tạo động lực để phát triển KTT, công nghiệp trong thời gian tới, như Công ty Lavaya, Tập đoàn Gami, Công ty UAM Industry, Tập đoàn Mattel…

Sau khi hoàn thiện hạ tầng tại các KKT, công nghiệp, Ban phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm; chú trọng xúc tiến với các tập đoàn lớn, có tính lan tỏa trong khu vực, nhà đầu tư hạ tầng, các dự án du lịch chất lượng cao, đồng thời tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực.

Theo ông Lê Văn Tuệ, từ nay đến cuối năm, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực thị trấn Lăng Cô, đôn đốc triển khai xây dựng tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn nhằm tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả KKT Chân mây- Lăng Cô.

Đối với các KCN, sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư đẩy mạnh công tác kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó ưu tiên các KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng như KCN Phong Điền, Phú Bài, La Sơn; đồng thời tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Quảng Vinh, Phú Đa để tăng thu hút đầu tư.

Sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án

Đầu năm đến nay, các KKT, công nghiệp tỉnh đã thu hút 4 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng; dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn khoảng 5.300 tỷ đồng.

THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ

Ngày 5/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Fédération Handicap International (Humanity & Inclusion) (HI) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận thông tin và cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số phù hợp" giai đoạn 2024-2027.

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

  • Thiết kế kiến trúc The Felix Thuận An
Return to top