ClockThứ Sáu, 12/01/2024 07:43

Xóa “điểm đen”, giảm tai nạn giao thông - Bài 2: Chuyển biến nhưng chưa kỳ vọng

TTH - Với nhiều giải pháp, trong đó việc xóa dần các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT được các ban, ngành chức năng quan tâm nên thời gian qua tình hình TNGT ở địa phương đã giảm đáng kể. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập.

Xóa “điểm đen”, giảm tai nạn giao thông - Bài 1: “Điểm mặt, chỉ tên”

 Mở rộng điểm mất ATGT trên Quốc lộ 49A

Nhiều “điểm đen” được xử lý

Những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, ATGT và việc rà soát, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT được Ban ATGT tỉnh quan tâm.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh, hàng năm ban đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý đường bộ II, các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức rà soát, lập hồ sơ, xử lý khắc phục nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn. Năm 2023 đã xử lý được 2 “điểm đen” với kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng tại đoạn Km10+00-Km 10+500 và Km 24+300-Km 24+800 tại TL4; đồng thời tổ chức bổ sung sơn đường, lắp đặt biển báo… Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh đang phối hợp triển khai DA xử lý, cải tạo hơn 30 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên QL49A với kinh phí hơn 37,4 tỷ đồng, do Khu Quản lý đường bộ II làm chủ đầu tư.

Hiện nay, ban đang tiếp tục lập hồ sơ xử lý 8 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh với kinh phí dự kiến là 13,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Trùng Phương (BOT) khắc phục một số điểm đang tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên QL1A (thuộc Phong Điền và Phú Lộc) do đơn vị này quản lý.

Chia sẻ về các giải pháp xóa “điểm đen”, ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục ĐBVN) cho biết: đơn vị quản lý các tuyến QL qua địa bàn Thừa Thiên Huế với chiều dài hơn 400km, trong đó có một số đoạn do Công ty TNHH Trùng Phương quản lý hơn 33km. Trên các cung đường đó, đơn vị thường xuyên phát hiện, ghi nhận các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT, nhất đoạn tuyến qua huyện Phú Lộc, Phong Điền; đoạn tránh Huế… nhưng đều được tổ chức phối hợp xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh thường chia sẻ tại các hội nghị giao ban ATGT tỉnh năm 2023, hiện nay ngoài những bất cập về hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Do vậy ngành đã tăng cường chỉ đạo các đội, trạm tuần tra, kiểm soát tại các “điểm đen” TNGT, các vị trí có nguy cơ cao mất ATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như: đi sai làn đường, phần đường, vượt xe sai quy định, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là tập trung xử lý các loại xe container, xe tải, xe khách…

Công an tỉnh đã phối hợp với ban, ngành, địa phương xây dựng thống camera giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến đường nội đô, cửa ngõ TP. Huế và các huyện, thị. Đây là tuyến huyết mạch có mật độ phương tiện qua lại nhiều nên tình hình giao thông tương đối phức tạp. Qua hệ thống giám sát đã quản lý, lưu trữ các hồ sơ ghi nhận các hành vi vi phạm, giúp lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm đối với người, phương tiện vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Với những nỗ lực của các ban, ngành chức năng, nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT sau khi được xử lý, TNGT đã chuyển biến giảm đáng kể. Đơn cử, tại ngã ba La Sơn (Lộc Sơn, Phú Lộc); hay ngã ba Dạ Lê (Thủy Phương, TX. Hương Thủy)… trước đây được xác định các “điểm đen” giao thông nguy hiểm, mỗi năm để xảy ra gần chục vụ TNGT nhưng gần đây cơ bản đã chấm dứt.

Vướng mắc, bất cập

Theo thống kê từ Sở GTVT, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh còn 8 “điểm đen” và nhiều điểm tiềm ẩn TNGT chưa được xử lý.

Ông Hoàng Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT chia sẻ, “điểm đen” và điểm tiềm ẩn TNGT vẫn luôn phát sinh trong quá trình khai thác, do các yếu tố lưu lượng xe ngày càng tăng cao, tốc độ lưu thông nhanh hơn… nên kinh phí không đưa vào dự toán hàng năm, chỉ đề nghị cấp sau khi xác định đầy đủ các tiêu chí về “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT từ nguồn Trung ương (đối với QL) và ngân sách tỉnh (đối với đường địa phương). Tuy nhiên, các hồ sơ, thủ tục liên quan theo quy định mất nhiều thời gian nên một số vị trí chưa được khắc phục kịp thời.

Việc xác định các vụ TNGT thực tế và hồ sơ lưu trữ phức tạp do nhiều vụ TNGT người dân tự thỏa thuận, không báo cơ quan chức năng nên không có đủ cơ sở để xác lập “điểm đen” theo quy định. Mặt khác việc xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT các tuyến đường địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí; nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB) để xử lý, khắc phục.

Ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, dù được sự quan tâm của cấp trên nhưng nguồn vốn dành cho công tác quản lý bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ vẫn có hạn. Hơn nữa việc xử lý dứt điểm, triệt để các vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT tại các vị trí bức thiết đưa ra giải pháp tối ưu là GPMB do địa phương thực hiện để mở rộng các góc cua, mở rộng làn… với khối lượng tương đối lớn, đòi hỏi kinh phí nhiều.

Đơn cử, như hiện nay việc xử lý các điểm mất ATGT trên QL49A ngoài thời tiết bất lợi thì công tác GPMB ở các địa phương làm DA này triển khai chậm tiến độ.

Quan ngại hơn, đã có những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT dù đã được xử lý nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT. Điển hình như tại khu vực bắc hầm Phước Tượng (Phú Lộc) dù đã được sơn kẻ vạch đường, lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông; điểm  Km806+250 đến Km806+450 tại địa bàn Phong An (Phong Điền) đã mở rộng lề đường mỗi bên 6m, lắp đặt biển bảng chỉ dẫn ATGT…

(Còn nữa)

Bài 3: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top