ClockThứ Năm, 19/09/2019 21:11

Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030: Bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

TTH - Chiều 19/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì cuộc họp UBND tỉnh nhằm thông qua một số đề án, quy định. Trong đó, có đề án quan trọng về Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2020 tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh

Tương lai phát triển đô thị Huế lấy trục đường Tố Hữu làm trung tâm, mở rộng về phía đông nam

Mở rộng đô thị Huế lên gần 350km2

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014. Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (70,67km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 350km2.

Không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, quy định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Phát biểu đóng góp ý kiến xây dựng đề án, các đại biểu cho rằng, từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh; đồng thời, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp

Tự cân đối ngân sách vào năm 2026

Mục tiêu tổng quát phát triển đô thị trong tương lai là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực. Phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp sạch, bền vững ứng dụng công nghệ cao.

Phấn đấu GRDP giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 8 – 8,5% và GRDP bình quân đầu người đạt  3.500 - 4.000 USD. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: ngành dịch vụ  48 - 49%, công nghiệp và xây dựng 36 - 38%, nông nghiệp 6 - 8% và tỷ trọng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt dưới 10%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 12%/năm; thu ngân sách nhà nước tăng trưởng bình quân 12 - 13%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 - 2,5 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 62 - 65%... Với dự báo tốc độ tăng thu và tốc độ tăng trưởng như trên, năm 2026 tỉnh hoàn toàn có khả năng tự cân đối ngân sách mà không sử dụng nguồn bổ sung từ Trung ương.

Thảo luận về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng tỉnh cần tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Xây dựng đô thị thông minh, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc xây dựng đô thị Huế trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực là hết sức cần thiết, đây cũng là sự mong mỏi của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh. “Phát triển đô thị Huế sẽ là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị lịch sử, văn hóa, đặc sắc của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của cả nước”- Chủ tịch UBND tỉnh nói. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh đề án.

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh thông qua báo cáo điều chỉnh cục bộ TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đáp ứng các mục tiêu cụ thể, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, song song với việc giữ gìn các yếu tố cảnh quan, sinh thái, bảo vệ môi trường; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây là cơ sở để UBND tỉnh tổ chức lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị. Quy hoạch được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho việc xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và từng bước nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top