ClockThứ Ba, 20/02/2024 14:55

Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững

Ngày 19/2, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
 Ảnh minh họa: TTXVN

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải đã rất nỗ lực triển khai các công việc, nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó đã hoàn thành 5 quy hoạch ngành, triển khai quyết liệt các dự án đường cao tốc, giải ngân tốt vốn đầu tư công.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp, khẩn trương hoàn thiện Đề án; trong đó, lưu ý một số vấn đề về quan điểm, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao phải đặt trong tổng thể phát triển quy hoạch, dự báo chiến lược về nhu cầu của cả 5 phương thức giao thông: Hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa trong dài hạn. Phân tích lợi thế của từng phương thức, qua đó làm rõ ưu điểm của vận tải đường sắt tốc độ cao là tập trung vào vận chuyển hành khách, tương hỗ với vận tải hàng không, chỉ vận chuyển hàng hóa trong trường hợp cần thiết. Vận chuyển hàng hóa chủ yếu tập trung: Đường sắt hiện tại; hàng hải; vận tải thủy ven bờ; đường bộ. Trên cơ sở đó, đánh giá, giải trình thuyết phục việc đề xuất phương án đầu tư. Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Về kịch bản đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất (so sánh phương án đồng thời vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; phương án chỉ vận tải hành khách); tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, còn hàng hóa chủ yếu vận tải bằng đường biển (cảng biển, bến thủy nội địa) và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có.

Về hướng tuyến, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, rà soát kỹ hướng tuyến để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.

Về giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo đúng tinh thần Kết luận số 49-KL/TW. Tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó bao gồm Luật Đường sắt sửa đổi, quy định về đường sắt tốc độ cao; cơ chế huy động nguồn lực (ngân sách nhà nước là chính nhưng cần tổng hợp các nguồn lực với việc kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe...); cơ chế giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ nguyên vật liệu...; tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bảo đảm năng lực thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao.

Thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Tổ phó; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo làm thành viên. Tổ công tác có quy chế làm việc, dự kiến 01 tháng họp 01 lần để kịp thời xử lý, thúc đẩy công tác chuẩn bị, thực hiện Dự án.

Các bộ, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các nội dung có liên quan; trong đó, tập trung một số vấn đề trọng tâm.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện Đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3 năm 2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Bộ Giao thông vận tải rà soát hoàn thiện thể chế, hệ thống định mức, tiêu chuẩn… để kịp thời sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình phát triển đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng; xây dựng, triển khai đề án về mô hình tổ chức, quản lý khai thác đường sắt quốc gia (trong đó có đường sắt tốc độ cao). Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước, tiếp tục triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ động xây dựng phương án hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn phù hợp cho Dự án; cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu triển khai Dự án.

Bộ Tài chính chủ trì tính toán tác động của việc đầu tư Dự án đến nợ công; ưu tiên phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đường sắt; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải phân tích mô hình tài chính của Dự án.

Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hoặc hướng dẫn trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng.

Bộ Công Thương xây dựng, triển khai đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ bảo đảm đồng bộ với các ngành công nghiệp khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển; xây dựng kế hoạch hợp tác với các nước để phối hợp đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng, thành lập các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực đường sắt.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt, nhất là việc triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài để kêu gọi đầu tư chuyển giao công nghệ xây dựng Dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong công tác giải phóng mặt bằng và khai thác mỏ vật liệu phục vụ Dự án.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai Dự án. Ưu tiên bố trí quỹ đất quanh khu vực ga để phát triển các khu đô thị, khu chức năng theo mô hình TOD.

Đầu tư một số tuyến đường sắt quốc gia khác

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).

Cần sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là hành khách. Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.

Sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Theo TXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
HH
Hoa - 20/02/2024 15:19
Theo tôi, "giảm số lượng ga để giảm chi phí"! Chỉ đặt ga ĐS hành khách tốc độ cao tại ĐÔ THỊ NÉN ĐÔNG DÂN mật độ nén cao. Từ đó, hành khách đi bus/đs đô thị liên tỉnh về các địa phương.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

Lần thứ 3 liên tiếp TP. Huế đạt giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN là cơ hội để du lịch Huế tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch. Với nhiều giải pháp mà tỉnh đặt ra, giữ vững thương hiệu thành phố du lịch sạch cũng đồng nghĩa với việc gắn tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững.

Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

TIN MỚI

Return to top