ClockThứ Năm, 29/03/2018 14:45

Xử lý nạn đánh bắt hải sản bằng tàu giã cào: Khó nhưng phải làm

TTH - Tàu lưới kéo (giã cào bay, sử dụng 2 tàu có công suất lớn) từ các tỉnh khác đến ngư trường vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác thủy sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, cũng như quá trình sinh sản, sinh trưởng của các loài hải sản. Tàu giã cào còn phá hoại nhiều tài sản ngư cụ, khiến ngư dân điêu đứng. Vấn nạn này nổi lên từ 2014, kéo dài đến bây giờ nhưng vẫn là vấn đề “nóng”, chưa hồi kết…

Một ngư dân ở xã Vinh Hiền bị tàu giã cào cào bay 2 tay lưới, không có ngư lưới cụ, phải gia cố chiếc ghe nhỏ để đi câu kiếm cơm qua ngày

Ngư dân “kêu trời”

Trên bờ cát ở cửa Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc), Hùng, một ngư dân đang dùng loại nhựa như nhựa đường (vừa được đun sôi) phết vào lòng chiếc ghe nhỏ. Ông giải thích, đang gia cố để nước biển không thể thấm vào. Chỉ chiếc thuyền lớn nằm “úp bụng” bên cạnh, ông than thở: “Trước, gia đình tui dùng chiếc thuyền lớn này để ra biển đánh bắt. Nhưng từ lúc bị tàu giã cào “cào” bay 2 tay lưới (trị giá 30 triệu đồng), thì chiếc thuyền đành… bỏ không. Chưa biết vay mượn tiền ở đâu mà mua sắm lại lưới, nên đành dùng chiếc ghe nhỏ đi câu, kiếm cơm qua ngày. Không riêng chi tui, bao nhiêu ngư dân khác cũng cùng cảnh ngộ. Ngư cụ, tài sản trong “chớp mắt” bị phá tan tành vì nạn giã cào”.

Ông Thu, ngư dân ở xã Quảng Ngạn nghẹn lời khi nói về nỗi khổ thiệt hại lưới, lừ…. Mỗi khi tàu giã cào quét qua là coi như tài sản của ông và ngư dân trong thôn, trong xã “tan thành mây khói”. Không chỉ ngư cụ, ngay cả thuyền của ngư dân đôi khi cũng bị tàu giã cào lớn “nhấn” chìm xuống biển (nếu đuổi theo, phản kháng). Sự thiệt hại về tài sản trước nạn khai thác thủy sản trái phép bằng tàu lưới kéo (giã cào bay) là nỗi lo âu, ám ảnh, bức xúc chung của bà con ngư dân ven biển các huyện trong tỉnh suốt mấy năm qua, đến nay vẫn là vấn đề “nóng” .

Ông Nguyễn Mến, Chi hội trưởng, Chủ tịch Hội nghề cá xã Vinh Hiền trăn trở, ngư cụ của ngư dân bị tàu giã cào cào ngang hết, thiệt hại hết sức nặng nề, ngư dân không yên tâm làm ăn. Nhưng lại quá khó trong việc “dẹp nạn”.

Theo Chi cục Thủy sản, phạm vi hoạt động của tàu lưới kéo xâm hại đến vùng 30 hải lý trở vào bờ (từ Lăng Cô đến Phong Điền), có khi vào cách bờ 2,5 hải lý. Cao điểm từ tháng 1 đến tháng 7 có khi đến 30 chiếc trong suốt ngày đêm.

Khó trăm ngả

Phát hiện, xử lý trên 200 trường hợp vi phạm  

Mỗi năm, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương đã thực hiện khoảng 10 chuyến (3 ngày/chuyến) tuần tra trên biển, 20 chuyến tuần tra đầm phá và xua đuổi xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Năm 2014 đã xử lý 69 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt 204 triệu đồng, trong đó xử phạt 3 tàu giã cào 72 triệu đồng. Năm 2015 xử lý 79 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 147 triệu đồng. Năm 2016 đã xử lý 85 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt 367 triệu đồng, trong đó xử phạt 3 tàu giã cào 72 triệu đồng. Năm 2017 phạt 2 tàu giã cào với số tiền 48 triệu đồng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo các đồn biên phòng, hải đội 2 phòng chống độc lập các tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ. Năm 2015 đã xử phạt 5 tàu giã cào với số tiền 120 triệu đồng. Năm 2016 xử phạt 4 tàu giã cào với số tiền 96 triệu đồng.

Theo quy định hiện hành, tàu công suất 90 CV bị cấm đánh bắt ở vùng biển gần bờ và vùng lộng, nếu vi phạm thì bị xử phạt hành chính. Riêng tàu giã cào vi phạm, mức phạt tăng gấp 3 lần. Theo thông tin từ các đồn biên phòng tuyến biển: Khó ở chỗ, phần lớn tàu giã cào từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... đến đánh bắt, thường “thoắt ẩn, thoắt hiện”, lựa những giờ khuya vắng, tầm 2, 3 giờ sáng, thời điểm ít khi có lực lượng chức năng trên biển. Tàu giã cào công suất lớn, tốc độ chạy nhanh. Trong lúc đó, ca nô, phương tiện của các đồn biên phòng nhỏ (chỉ Hải đội 2, Bộ đội biên Phòng tỉnh, tàu có công suất lớn). Lực lượng lao động trên các tàu giã cào đông, thường từ 20-30 người và thường có thái độ hung hăng, chống trả quyết liệt, tông vào tàu đang làm nhiệm vụ. Ca nô biên phòng tiếp cận được 1 lần, lần sau người vi phạm sử dụng thủ đoạn đứng trên cao ném đá xuống, chống trả.

Theo Thượng tá Tạ Khắc Đồng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vinh Hiền và Thượng tá Trần Công Thắng, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An: Để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là phải bắt quả tang khi người đánh bắt vi phạm. Có nghĩa, phải xác định tọa độ vi phạm (bằng máy định vị, tránh trường hợp đấu tranh bị kiện). Tại thời điểm họ đang hoạt động đánh bắt trong phạm vi vùng biển bị cấm, lực lượng phải bí mật chốt chặn, phục sẵn, họ mới thả lưới xuống cào là bắt ngay. Trường hợp nhận tin báo từ ngư dân (hoặc phối hợp với Chi cục Thủy sản đi kiểm tra, xử phạt theo kế hoạch), phương tiện của mình chạy ra, họ vừa kéo lưới vừa bỏ chạy, đuổi không kịp.

Có trường hợp lực lượng biên phòng phối hợp tàu kiểm ngư đuổi kịp, đối tượng vi phạm thả (vứt bỏ) lưới. Lưới nặng cả tấn không có dụng cụ để kéo dễ gây tai nạn. Thủ đoạn khác của người vi phạm là lấy lưới đen che biển số để lực lượng chức năng không quay camera được. Hoặc khi bị áp sát, họ liều nhảy xuống nước. Sợ chết người nên lực lượng phải “lui”.

Lực lượng biên phòng cũng phối hợp với ngư dân, sử dụng phương tiện của ngư dân trong tiếp cận, rượt đuổi đối tượng tàu giã cào. Ngặt nỗi, ngư dân sợ bị trả thù, bị phá lưới nên hết sức dè dặt.

Ông Nguyễn Mến cho hay, trước thực trạng ngư dân bị tàu giã cào đánh bắt trái phép, phá hoại về ngư lưới cụ, thiệt hại rất lớn về tài sản, Hội nghề cá sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ về con người, phương tiện (hội nghề cá có tàu công suất lớn 800 CV và 10 chiếc tàu 400 CV), trong quá trình lực lượng biên phòng đuổi, bắt vi phạm. Thế nhưng, vấn đề khó ở chỗ, mỗi chuyến “xuất quân”, tiền dầu rất lớn, Hội nghề cá không có kinh phí.

Thiệt hại do tàu giã cào gây ra đã đến mức báo động, đã đến lúc cần đầu tư, bố trí phương tiện; huy động phối hợp các lực lượng để đấu tranh, dẹp bỏ; nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngư dân địa phương và nguồn lợi thủy sản gần bờ.

Ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Thuỷ sản tỉnh: Cần nhiều giải pháp

Tình hình tàu giã cào vi phạm vùng biển ven bờ vẫn tiếp tục diễn ra và việc phòng chống có nhiều khó khăn.

Nhiều trường hợp đã bắt được quả tang nhưng tàu kiểm ngư không thể cưỡng chế đưa các tàu vi phạm vào bờ xử lý, vì họ có nhiều tàu hơn và tàu lớn hơn.

Nguồn lực kiểm ngư yếu. Tàu kiểm ngư cũ, nhỏ hơn tàu kéo lưới vi phạm. Một số thiết bị hàng hải trên tàu hạn chế nên tàu điều động tuần tra vào ban đêm khó đảm bảo an toàn hàng hải. Lực lượng mỏng, không đủ vận hành tàu kiểm ngư theo quy định. Khi tàu kiểm ngư tuần tra thì các tàu giã cào dạt ra vùng ngoài; khi tàu kiểm ngư đi, họ lại áp và bờ; trong khi đó, kiểm ngư lại không đủ tàu, người và kinh phí để tuần tra đều đặn trên các vùng biển. Kinh phí hoạt động tàu kiểm ngư hạn chế (bố trí tuần tra biển là 383 triệu đồng trong năm 2017).

Hiện, chúng tôi đang đề xuất nghiên cứu một thiết bị mà lực lượng mình không cần tiếp cận sát tàu vi phạm, dùng neo ném qua cưa đứt dây cáp của họ, khiến họ phải bỏ cuộc. Đồng thời đang tìm kiếm phương án (như ở Nhật và một số nước khác) thả các cụm, rạng bằng đá bê tông, vừa để tăng nguồn lợi cá đáy vừa làm vật cản chống nạn giã cào.

Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh quan tâm xây dựng bổ sung nguồn lực cho lực lượng kiểm ngư. Đóng mới tàu kiểm ngư, tăng biên chế, tăng kinh phí cho hoạt động tàu kiểm ngư.

Thùy Chi (ghi)

 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) xuất hiện các đối tượng bắt trộm chó bằng đánh bả. Thực trạng này không chỉ gây hoang mang lo lắng cho người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chết người từ bả thuốc vứt vương vãi trên đường.

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó
Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

TIN MỚI

Return to top