Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, trong Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đề xuất dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Bên cạnh ý kiến băn khoăn trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn, thì cũng có nhiều nhận định cho rằng, giải pháp này là cần thiết, tuy nhiên phải có lộ trình và cần thận trọng.
Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu tại Việt Nam là điều khó tránh khỏi (Ảnh minh họa: Internet)
Theo đề xuất nêu trong dự thảo, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, dự kiến trình Quốc hội thông qua. Không ít ý kiến cho rằng lấy tiền ngân sách là tiền của dân để “cứu” nợ xấu là nghịch lý. Bởi nợ xấu là do doanh nghiệp, cá nhân không có khả năng trả nợ ngân hàng, hoặc do định giá tài sản không minh bạch khi cho vay, vậy tại sao người dân phải chịu trách nhiệm về khoản nợ này? Nhất là trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, thậm chí phải đi vay để đảo nợ và chỉ đủ chi thường xuyên, lấy đâu ra để “gánh” khoản nợ lên đến mấy trăm nghìn tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ở Việt Nam, ngân sách đang khó khăn. Nếu lại đi vay nước ngoài thì nợ công chắc chắn sẽ tăng lên. Vì thế, theo ông Doanh, cần giải quyết bằng cách thanh lý các tài sản thế chấp để có "tiền tươi thóc thật", giảm bớt tỷ lệ nợ xấu.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, việc dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu không phải có nghĩa là dùng tiền ngân sách để xóa nợ, cứu ngân hàng mà được hiểu dùng nguồn lực nhà nước để tái cấu trúc ngân hàng. Lý do là, hiện nhiều nợ xấu đã thuộc sở hữu của Nhà nước, chủ yếu nằm trong các ngân hàng yếu kém đã bị bán với giá 0 đồng trong thời gian qua.
Thực tế những năm qua, lợi nhuận của các ngân hàng thuộc vào nhóm thấp trong khu vực. Suất sinh lợi trên tài sản chỉ 0,5%, suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu 5% còn thấp hơn lãi suất tiền gửi. Nên các ngân hàng dù có lợi nhuận cũng không đủ để có thể xử lý nợ xấu. Trong khi đó, nợ xấu càng để lâu thì càng kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế đi xuống.
Câu hỏi đặt ra là, nếu phải dùng ngân sách thì làm sao mà kham nổi khoản nợ xấu hiện nay. Riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện gom giữ 240.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng. Ngoài ra, tính cả nợ xấu đang nằm tại các ngân hàng thương mại, con số này có thể lên đến 400.000 tỷ đồng. Nếu dùng ngân sách xử lý số nợ “khủng” như vậy rõ ràng là không khả thi.
Do vậy, cần có cơ chế, hành lang pháp lý để mua bán nợ xấu theo giá thị trường được. Theo phân tích của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ sẽ dùng một số tiền cung cấp cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ đàm phán ngân hàng mua nợ xấu với giá thị trường chứ không phải giá trị sổ sách. Khoản nợ xấu đó có thể phải chiết khấu sâu từ 50% đến 90%. Công ty VAMC sẽ phải mua nợ xấu từ ngân hàng thương mại và bán cho nhà đầu tư khác, thu tiền trả lại cho ngân sách nhà nước.
Một số chuyên gia cho rằng, dù muốn hay không, việc phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu tại Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều cốt lõi là tháo gỡ được vướng mắc về cơ chế giúp định giá mua bán nợ theo thị trường, chính sách phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan…
Ngoài ra, sử dụng ngân sách bao nhiêu, cách thức hỗ trợ như thế nào cũng những điều phải nghiên cứu, tính toán để có phương án phù hợp vừa đẩy nhanh được tốc độ xử lý nợ xấu, vừa tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
Theo VOV