Sản phẩm của Công ty CP Phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế được xuất khẩu sang thị trường Nhật
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Tuy không nằm trong tốp DN có KNXK lớn, song Công ty CP Phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế vẫn duy trì KNXK ổn định trong suốt nhiều năm qua. Cùng với đà tăng chung của toàn tỉnh, KNXK của DN này tăng từ 6 triệu USD năm 2016 lên hơn 7 triệu USD năm 2017. Ngoài thị trường XK truyền thống là các tỉnh vùng ven của Nhật Bản, mặt hàng sushi xuất sang nước này đã được đơn vị mở rộng ra thị trường ở thủ đô Tokyo.
Ông Nguyễn Thanh Túc, Giám đốc Công ty CP Phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế cho rằng, đây sẽ là thị trường tiềm năng để đơn vị cơ cấu lại thị trường XK. Thay vì trước đây, thị trường Tokyo chỉ chiếm 20% thị phần XK thì sắp tới đơn vị sẽ cơ cấu tăng lên 60%. Một khi duy trì và mở rộng thêm khách hàng “VIP”, KNXK của DN sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Nằm trong danh sách những DN có KNXK lớn trong năm 2017 phải kể đến Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam đạt gần 241 triệu USD, Công ty CP Dệt may Huế đạt 88,2 triệu USD, Công ty Scavi Huế đạt gần 82 triệu USD. Mặt hàng xơ, sợi dệt các loại có Công ty CP Sợi Phú Bài đạt hơn 25,8 triệu USD. Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam-CN Đông lạnh Thừa Thiên Huế đạt KNXK hàng thủy sản trên 48 triệu USD. Dẫn đầu về mặt hàng sản phẩm gỗ có Công ty CP Chế biến lâm sản XK Pisico Huế đạt gần 19 triệu USD... Một số DN XK ngành hàng mới như túi xách, bàn ghế bằng sợi nhựa, cao su đạt KNXK bình quân trên 5 triệu USD.
Trong cơ cấu hàng hóa XK, nhóm hàng dệt may tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất (79,71%) trong tổng KNXK với 647 triệu USD, tăng 11,06%; KNXK gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng đứng thứ hai (9,26%) với 75,17 triệu USD, tăng 1,82%; KNXK thủy sản đạt 55,11 triệu USD, tăng 17,52%, chiếm tỷ trọng 6,79%. Các mặt hàng khác như cao su, hương và bột hương, bia, rượu sa kê, hàng thủ công mỹ nghệ, khoáng sản... đạt 27,93 triệu USD, tăng 124,21% và chiếm 3,44% tổng KNXK.
Mở rộng thị trường
Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... cùng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh từ trung ương đến địa phương đã giúp các DN phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK. Nhất là trong năm qua, Bộ Công thương đã cắt giảm 675 thủ tục, trong đó có thủ tục XK và việc đơn giản hóa 365 thủ tục của Bộ Công thương, trong đó có liên quan đến xuất nhập khẩu góp phần tạo thuận lợi cho DN thúc đẩy XK tăng trưởng.
Nhiều DN trên địa bàn cũng đã tận dụng tốt các cam kết ưu đãi, nhất là về thuế quan và sự hỗ trợ tối đa của ngành công thương trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiết kiệm từ 25-80% thời gian, từ đó góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa XK.
Ông Huỳnh Thặng, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản XK Pisico Huế cho rằng, ngoài tìm kiếm, mở rộng thị trường, đơn vị sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm XK để đáp ứng nhu cầu đối tác mới, chủ động và phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài XK dăm gỗ sang Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 95%) và Trung Quốc, sắp tới đơn vị sẽ hợp tác đầu tư sản xuất viên nén được làm từ dăm gỗ cung cấp chất đốt thân thiện môi trường cho các nhà máy nhiệt điện trong nước và xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu thị trường XK tốt, vài năm tới, đơn vị sẽ độc lập đầu tư nhà máy sản xuất viên nén với dự trù kinh phí khoảng 50 tỷ đồng cho nhà máy có công suất 20 nghìn tấn viên nén/năm.
Đây cũng là chiến lược mà nhiều DN hoạt động XK đang tính toán, lựa chọn hướng đi hợp lý, nhất là trong bối cảnh gia tăng rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Kể cả ngành hàng dệt may vốn có lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ cũng sẽ dần mất đi, khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0…
Theo đánh giá của ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương, bên cạnh giữ vững tăng trưởng tại các thị trường XK truyền thống, thị trường thâm nhập mới trong năm 2017, các DN tiếp tục tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường XK mới có nhiều tiềm năng, nhất là các thị trường có tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, thị trường các nước châu Mỹ Latinh, châu Phi… Nhiều chương trình kết nối với các thương vụ, xúc tiến thương mại được Sở Công thương đẩy mạnh thực hiện để cung cấp thông tin cho DN trong việc phát triển, mở rộng thị trường XK. Một khi thị trường XK được đa dạng hóa sẽ giúp DN mở rộng quy mô, thị trường, mặt hàng và giảm sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Dự kiến XK của tỉnh năm 2018 sẽ tiếp tục phát triển, ước đạt 920 triệu USD. Đến nay, hàng hóa XK của tỉnh đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng khoảng 52%, EU 13,44%, Nhật Bản 10,5%, Trung Quốc 5,52%, Hàn Quốc 4,57%... Dự kiến các Hiệp định Thương mại tự do như Việt Nam- EU, Mỹ Latinh; Hiệp định song phương giữa Việt Nam với Chi Lê, Nga, Ấn Độ, Campuchia… có hiệu lực trong năm 2018 sẽ giúp các DN mở rộng thêm nhiều thị trường tiềm năng, thúc đẩy KNXK tiếp tục tăng trưởng.