ClockThứ Bảy, 25/05/2013 14:19

Mùa hè, nguy cơ trẻ bị bỏng tăng cao

TTH - Chỉ một chút sơ sẩy của người lớn, nhiều bi kịch bỏng đã xẩy ra đối với trẻ em, để lại di chứng nặng nề. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ bị bỏng thường tăng cao vào mùa hè.
 
Nguy cơ rình rập
Một bệnh nhi bỏng nặng do vấp phải nồi cháo đang sôi với những di chứng nặng nề ở cổ và ngực. Ảnh (tư liệu)
 
Cùng với đuối nước và tai nạn giao thông, bỏng là một trong những nguy cơ luôn rình rập trẻ nhỏ.
 
Tại tỉnh Quảng Bình, một trường hợp bỏng nặng, nguy kịch đến tính mạng vừa xảy ra với một cháu bé hơn 1 tuổi, phải chuyển đi điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Nguyên nhân gây bỏng là do nồi cháo của gia đình. Bố mẹ làm nghề bán cháo nên sáng đó, trong khi chuẩn bị quẩy gánh ra chợ, bé Quyên thức dậy và quanh quẩn bên nồi cháo rồi ngã cả người vào, gây bỏng nặng.
 
Một số xử lý khi trẻ bị bỏng:
 
 -Khi trẻ bị bỏng, cần dùng nước mát, sạch làm nguội vùng da bị bỏng. Nước mát vừa có tác dụng giảm đau, giảm phù nề, giảm độ bỏng sâu của vết thương. Dùng gạc y tế quấn quanh vết bỏng và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến thẳng bệnh viện càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không bôi các chất như kem đánh răng, mỡ trăn, nước mắm… lên vết bỏng.
 
-Khi trẻ bị bỏng nước sôi, tuyệt đối không cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới lột da vùng bị bỏng. Nên ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh sạch trong thời gian từ 15 – 20 phút (không dùng nước đá để làm mát vết bỏng). Sau đó dùng gạc y tế băng quanh vết bỏng, rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
 
-Khi bỏng do lửa cháy, dùng nước, áo khoác, chăn để dập lửa. Bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên.
 
-Khi bỏng do điện giật, sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, phải để nạn nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo, khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.
(Theo Viện Bỏng Quốc gia)
Mới đây nhất, ngày 2/6, cháu Lý Văn Hùng, 11 tuổi ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phải nhập viện do bị bỏng 60% diện tích cơ thể ở mức độ 2-3. Nguyên nhân bỏng là do chú của em nướng mực bằng cồn. Cậu bé ngồi xem chú nướng mực. Khi lửa hết, người chú thêm cồn vào, Hùng ngồi ngay cạnh nên bị lửa bắt vào người, gây bỏng nặng toàn bộ phần ngực, tay chân và một phần má.
 
Theo số liệu thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, trung bình 100 nạn nhân bỏng nhập viện tại đây thì chiếm 60-70 ca là trẻ em, trong đó có 50 đến 60% nằm trong độ tuổi từ 1 đến 3. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là do nước sôi (phích nước nóng, ấm nước nóng, nồi cơm điện), bỏng do thức ăn (canh nóng, cháo nóng) và phần còn lại là bỏng do lửa, hóa chất và điện.
 
Tỷ lệ bỏng ở trẻ em cao là do lứa tuổi này, các em rất hiếu động, nghịch ngợm, tò mò lại chưa ý thức được sự nguy hiểm. Và đa phần trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn.
 
Ở nông thôn, không ít trường hợp các em bị bỏng do sơ ý, bị ngã vào đống rơm đang đốt, ngã vào hố vôi đang tôi. Nhiều gia đình hay có thói quen đốt rác, để lại những đống tro tàn âm ỉ và đây chính là những cái bẫy vô tình đối với trẻ nhỏ.
 
Thói quen ủ ấm bằng lò than cũng là nguyên nhân gây ra những ca bỏng thương tâm. Nhiều trường hợp, gia đình ủ than quá nóng cho trẻ, khiến chiếu giường bén than, bốc cháy, gây ra những tai nạn nặng nề. Nhiều trường hợp khác, trẻ bị bỏng do sà vào mâm cơm có thức ăn nóng, bỏng do người lớn làm vỡ phích nước sôi, do ngã vào nồi nước trụng gà...Cũng có em gặp nạn do người lớn bất cẩn, trong khi tắm làm rơi trẻ vào chậu nước nóng. Ở thành thị, trẻ lại thường bị bỏng bởi những nguyên nhân rất dễ xẩy ra do vòi nước nóng-lạnh ở bồn tắm; do bàn là, do ổ cắm hở điện, do uống nhầm hóa chất...
 
Nguy cơ tử vong cao
 
Theo các chuyên gia, bỏng ở trẻ em rất nguy hiểm. Không chỉ gây đau đớn, trẻ bị bỏng có tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% (diện tích bằng vài ngón tay), nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách cũng có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Đối với tai nạn bỏng, việc chữa trị vô cùng tốn kém và thường để lại di chứng nặng nề, đeo đẳng trẻ suốt đời, đặc biệt là các trường hợp bỏng nặng.
 
Điều day dứt là nhiều trường hợp bỏng ở trẻ em, đều có thể phòng ngừa nếu như người lớn không bất cẩn. Đây cũng là lổ hổng lớn trong công tác truyền thông về kỹ năng phòng chống bỏng cho trẻ em đối với người lớn tại gia đình. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng với những cặp vợ chồng trẻ, thiếu kinh nghiệm và hiểu biết, tỷ lệ trẻ bỏng trong các gia đình này chiếm tỷ lệ cao.
 
Đặc biệt, số trẻ em bị bỏng thường gia tăng vào mùa hè, bởi đây là thời gian trẻ được nghỉ hè, do bố mẹ đi làm không có người quản lý nên rất dễ xảy ra tai nạn và trẻ em nông thôn thường bị bỏng nhiều hơn trẻ ở thành phố.
Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top