ClockThứ Bảy, 27/02/2016 15:45

Ngày đầu vào lớp một

TTH.VN - Nhớ ngày đầu đi học của tôi chẳng giống bây giờ là bao. Ngày ấy có mấy học sinh vào lớp một mà đọc thông viết thạo. Hầu hết họ chẳng biết gì về chữ lẫn số, đến tuổi thì đi học như quy luật tự nhiên. Ngoài bút chì, thước kẻ và mấy cuốn vở thì cha mẹ không phải lo đồng phục, sách giáo khoa hay bất cứ cái gì khác cho con đến trường.

Học sinh hồi đó đi học phải thuê sách giáo khoa của thư viện nhà trường mà cũng không đủ bộ, nói gì đến chuyện mỗi đứa một bộ mới toanh, bọc nilong trong veo để lộ những bìa sách đẹp. Nhà ai kha khá thì sắm cho con được 2 cuốn vở kẻ ngang giấy màu trắng ngả sang nâu; còn đa số dùng loại giấy không có ô, rồi dùng thước kẻ thành hàng để tập viết. Cặp sách thì mấy ai được sắm mới, có người dùng bao cát đựng sách vở rồi nách bên hông đến trường.

Một buổi sáng thức dậy, mẹ tôi chuẩn bị đến trường như mọi hôm, nhưng từ hôm trước mẹ đã chuẩn bị cho tôi sách vở, quần áo sạch đẹp để tôi vào lớp một. Lớn rồi phải đi học là điều tôi đã biết trước. Cũng như bao cô cậu bé tuổi lên 6, tôi tưởng tượng ra nhiều điều về thế giới ở trường học. Mẹ tôi là cô giáo, tôi cũng sẽ có một cô giáo ở trường. Mẹ dạy học sinh học chữ và tôi cũng bắt đầu học chữ. Ở trường có những người bạn bằng tuổi tôi chứ không chỉ có anh chị như ở nhà…

Tôi nghĩ nhiều về những điều đó trước ngày đến trường. Mẹ dạy lớp 3 ở cơ sở 1, còn tôi học lớp 1 ở cơ sở 2 tại văn phòng UBND phường. Mẹ đưa tôi đến sớm, lo cho tôi xong rồi vội vã đi dạy cho kịp giờ. Vừa bước vào sân trường, sự hồ hởi của tôi tan đi một cách nhanh chóng. Trụ sở 2 chỉ có 2 phòng học để đón học sinh lớp 1 là chúng tôi. Trong sân, tiếng học sinh râm ran, vài đứa tỏ ra bình thường, vài đứa phụng phịu, vài đứa khóc thành tiếng đòi về nhà.

Giáo viên của tôi là thầy chứ không phải cô như mẹ. Hôm đó, ngoài giáo viên, phụ huynh và học sinh thì không thấy hoạt động gì khác ở trụ sở ủy ban. Tôi bắt đầu run run, nắm chặt tay mẹ hơn theo mỗi bước chân đến lớp. Và, tôi cũng muốn nói “Mẹ ơi con không muốn đi học đâu” cho đến lúc mẹ trao tay tôi cho thầy giáo.

Cứ thế, từ ngỡ ngàng này đến lo sợ khác, nhiều đêm, tôi mong trời đừng sáng để không phải đến lớp, nhất là những hôm trang viết thầy giao về nhà không đẹp, bị tẩy xóa nhiều chỗ. Cũng là nét cong, nét thẳng mà sao đứa thì viết đẹp, đứa viết xấu. Thầy giáo lúc nào trên tay cũng khư khư cây thước to, ai liếc ngang liếc dọc, nói chuyện riêng, không luyện viết mà lọt vào mắt thầy kể như bị một phát ‘đét’ tại chỗ. Lớp một ngày ấy chỉ học buổi sáng. Buổi chiều mẹ bận rộn việc nhà nên tối mới cầm tay nắn nót cho tôi. Nhờ có mẹ kèm cặp, tôi hầu như không bị ‘đét’, nhưng đôi khi vẫn bị thầy la mắng vì chậm chạp.

Chỉ một thời gian ngắn thì những sợ hãi đó không còn nữa. Thầy giáo gọi học sinh bằng ‘con’. Roi thầy đưa cao nhưng chẳng mấy khi đánh mạnh. Thi thoảng thầy lại kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện vui. Thầy tôi tên là Hai, thầy có 2 người con đã là học sinh trung học. Ngày tôi vào lớp một thầy còn để tang vợ. Một người đàn ông phải giữ nhiều vai trò nên hầu như sự chỉn chu là bản năng của thầy.

Thì ra, phụ huynh xóm Trường Cởi ngày ấy ai cũng biết thầy Hai là thầy giáo thương học trò nên nhiều người xin cho con được học lớp thầy. Chẳng bao lâu chúng tôi biết hết tên nhau. Sau vài ngày mẹ dắt tay đến trường thì tôi phải tự đi học nhưng chẳng mấy khi phải đi một mình, bởi ra ngõ là gặp bạn. Hồi đó, đi học làm gì được nhét hộp sữa hay cái bánh ngọt vào cặp như bây giờ. Thay vào đó, chúng tôi thi thoảng cũng có củ khoai, nắm đậu lạc hay hạt mít luộc mang theo làm quà vặt. Trong lớp mỗi bạn một tính, nhưng hiếm thấy chuyện bắt nạt nhau. Học sinh đến trường chủ yếu chỉ học chữ, không phải học các môn năng khiếu, kỹ thuật…

Ngoài phòng học ra thì làm gì có phòng thí nghiệm, phòng thực hành. Vì thế mà đứa nào trong cặp sách cũng thủ vài món đồ chơi. Có đứa mang theo cả bọc đá nặng để chơi ô làng. Đứa thì mang theo một sợi dây cao su dài được đan từ những sợ nhỏ để chơi nhảy dây. Nhiều đứa mang theo những quả bóng nhỏ tự làm bằng giấy lộn để chơi trò chuyền bóng ngay trong lớp… 

Hết học kỳ một, ai cũng biết đọc biết viết. Sang học kỳ hai bắt đầu viết bút mực. Đứa nào con nhà giàu mới có ngòi bút hiệu 777, còn  hầu hết dùng loại ngòi bút rẻ tiền hơn nên thi thoảng lại bị hư làm vấy mực đầy vở. Thầy dạy chúng tôi trang trí bình đựng lọ mực bằng lon sữa bò. Hết học kỳ hai, học sinh lớp một đã biết hết những con số và làm được phép cộng phép trừ, rồi làm quen với phép nhân phép chia.

Các con tôi đã học xong lớp một nhiều năm. Nhớ ngày chuẩn bị cho chúng vào lớp một phải mang nhiều nỗi lo khác nhau. Con vào mẫu giáo không lâu đã nhờ cô tranh thủ rèn chữ. Trước khi vào lớp một đã ‘tống’ con vào lò luyện tiếng Việt, toán, tiếng Anh… Có người mới sinh con ra đã tính chuyện gửi hộ khẩu nhà người quen thuộc địa phương có trường điểm, rồi chạy trường, chăm cô… Con vào được lớp một rồi thì lại lo đủ thứ, từ tiền ngoại tuyến, quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, đên đồng phục, đồ dùng học tập…

Tính ra ngày ấy cha mẹ mình ít vất vả hơn giờ mà chuyện học của con cái vẫn cứ hanh thông. Học xong cấp một học sinh đã biết đọc bản đồ, làm được cả bốn phép tính… mà còn biết giúp cha mẹ việc nhà. Ngày ấy, chúng tôi thậm chí không biết đến ngày 20/11, nhưng đến giờ, mỗi lần ngang ngôi nhà thầy Hai, những kỷ niệm đầu đời vẫn còn đó, lời thầy dạy giỗ chẳng hề phai mờ trong mỗi chúng tôi.

Hương Lan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top