Bà Mary Tarknowka - Ảnh: AmCham Vietnam
Chúng tôi trân trọng cộng đồng nơi chúng tôi sinh sống và làm việc. Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác cùng chính quyền Việt Nam để giúp các bạn mở cửa trở lại một cách an toàn.
Bà Mary Tarnowka trả lời phỏng vấn riêng báo Tuổi Trẻ chiều 26-5
* Chính phủ Việt Nam có chủ trương khuyến khích xã hội hóa vắc xin COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm, kêu gọi cả doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia nỗ lực này. Quan điểm của AmCham Việt Nam?
- Chúng tôi ủng hộ xem xét các chính sách cho phép các tổ chức như bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc mua vắc xin thương mại. Đương nhiên việc này phải tuân thủ theo thứ tự ưu tiên của Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu và kế hoạch phân phối vắc xin do Chính phủ Việt Nam đề ra.
AmCham Việt Nam trông chờ được tham gia nỗ lực xây dựng nguồn dự trữ vắc xin của Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cho biết họ sẵn lòng đóng góp về mặt chi phí để có vắc xin cho nhân viên của họ. Một số thành viên khẳng định họ sẽ không "chen hàng" vào các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng của Việt Nam bao gồm các nhân viên y tế tuyến đầu.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh ý kiến của mình rằng bất kỳ đóng góp nào từ khu vực tư nhân cho công tác mua vắc xin cũng đều phải kết hợp với Chính phủ, để tránh trình trạng cạnh tranh giữa tư nhân và Chính phủ trong lúc nguồn cung hạn chế trên toàn cầu.
* Bà đánh giá như thế nào về việc triển khai chương trình tiêm chủng ở Việt Nam?
- Tôi cho rằng bước đầu là đảm bảo nguồn cung các loại vắc xin đã được chứng minh hiệu quả và đó là ưu tiên hàng đầu. Chỉ mới vài tuần trước đây, nhiều người vẫn chưa cảm nhận được sự cấp bách của vắc xin.
Thế nhưng, với số nhiều biến chủng đã xuất hiện tại Việt Nam, tôi cho rằng không có quốc gia nào có thể chống dịch một mình. Việt Nam cũng cần phải duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng và mở cửa nền kinh tế, nên đẩy mạnh chương trình tiêm chủng là một bước đi cần thiết.
Tôi nghĩ một trong những thế mạnh của Việt Nam trong đại dịch COVID-19 là sự minh bạch thông tin về cả phản ứng của Chính phủ, đảm bảo thông tin được cập nhật thường xuyên và rõ ràng.
Đó là điều cần thiết để xây dựng lòng tin trong dân chúng, cũng như đảm bảo người dân cùng tuân thủ các hướng dẫn chung do Chính phủ đưa ra.
* Chi nhánh AmCham Việt Nam tại Hà Nội mới đây kêu gọi Chính phủ Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, đặc biệt là rút ngắn thời gian cách ly đối với các doanh nhân, nhà đầu tư… đã tiêm vắc xin. Bà kỳ vọng gì?
- Chính phủ Việt Nam thật sự cần đưa ra quyết sách cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sự an toàn của người dân. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về việc truy vết, xét nghiệm và kiểm soát dịch bệnh. Dù vậy, tôi cho rằng mọi thứ vẫn cần sự cân bằng.
Bạn biết đấy, nếu một nhà đầu tư tiềm năng đến Việt Nam và phải cách ly hơn 20 ngày, đó sẽ là một rào cản lớn.
Thế nhưng, tôi không phải một nhà khoa học và không phải một chuyên gia y tế. Vì vậy, tôi hiểu rằng Việt Nam cần phải cân bằng tất cả các yếu tố đó.
Theo Tuoitre