Việt Nam, Ấn Độ tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương. Ảnh minh họa: Vnexpress
Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020, Ấn Độ đã không tham gia ký kết hiệp định này. Khi RCEP có hiệu lực, các nước Đông Nam Á có nhiều khả năng sẽ hợp tác, liên kết với Bắc Kinh nhiều hơn New Delhi. Tình hình này tạo nên thách thức khi Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước ASEAN thông qua Chính sách Hành động Hướng Đông. Chính vì vậy, mối quan hệ chặt chẽ được thiết lập với Việt Nam tạo cơ hội tốt hơn để Ấn Độ phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á.
Vào ngày 1/1, Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC). Việt Nam cũng tham gia UNSC với tư cách là thành viên không thường trực giai đoạn 2020 – 2021.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ tin tưởng rằng cả hai nước có thể hợp tác ở cấp độ toàn cầu thông qua UNSC. Cụ thể, ông Narendra Modi nhận định: “Việt Nam là trụ cột trong thỏa thuận chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và là người đồng hành quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Trong buổi họp song phương diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức gần đây, hai nước đã ký kết “Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 – 2023 nhằm tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Theo kế hoạch này, hai nước đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác, đồng thời hướng tới đạt được một khu vực hòa bình, tự do, ổn định và phát triển dựa trên luật lệ...
Tuy Ấn Độ đã không tham gia RCEP, song mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam vẫn giúp nước này duy trì quan hệ mạnh mẽ với khu vực. Nằm ngoài RCEP không có nghĩa nước này bị cô lập khỏi ASEAN. Đẩy mạnh cam kết với Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng về mối quan hệ giữa nước này đối với với khối khu vực.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ ASEAN Today)