Áp dụng chính sách phù hợp để biến lão hóa trở thành "lợi tức bạc" của châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: VTV.vn
Báo cáo Tổng hợp kinh tế châu Á 2019/2020 (AEIR): Thay đổi nhân khẩu học, năng suất và vai trò của công nghệ thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra rằng, nếu chính phủ các nước châu Á – Thái Bình Dương có thể áp dụng các chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, cải thiện kỹ năng, cơ hội việc làm và sắp xếp những công việc phù hợp cho người cao tuổi, dân số già có thể trở thành một lợi ích trong khu vực.
Lão hóa là xu hướng không thể đảo ngược
Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết: “Tại đại đa số các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xu hướng lão hóa là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, chính phủ vẫn có thể chuyển hóa chúng thành “lợi tức bạc”. Ngày nay, người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn, đồng thời cũng có kiến thức cao hơn so với thời gian trước. Do đó, những chính sách đúng đắn về công nghệ có thể kéo dài thời gian làm việc của tầng lớp lao động này, tạo ra sự đóng góp không hề nhỏ cho toàn bộ nền kinh tế”.
Được biết, tuổi thọ trung bình tại các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến mức tăng gần 7 năm, từ 57,2 tuổi lên đến 63,8 tuổi trong giai đoạn từ 1990 đến 2017. Số năm học tập trung bình của những người từ 55-64 tuổi cũng tăng từ 4,6 năm ghi nhận trong năm 1990 lên thành 7,8 năm trong năm 2005.
Dựa vào đặc điểm già hóa và giáo dục cụ thể của mỗi quốc gia, mặc dù vẫn cần có nhiều biện pháp chính xác cần thực hiện để xác định rõ thực trạng, song nhìn chung có 4 loại hình bao gồm: lão hóa nhanh, lão hóa chậm, mức độ giáo dục học tập trên hoặc dưới mức trung bình.
Cần chính sách cải cách phù hợp
Các quốc gia lão hóa nhanh, đồng thời có trình độ học vấn trên trung bình có thể hưởng lợi từ việc áp dụng tự động hóa và công nghệ hỗ trợ làm tăng năng suất lao động để bổ sung vào nguồn cung lao động thấp cho chu trình làm việc. Trong khi đó, các nước lão hóa chậm và có trình độ học vấn dưới trung bình có thể ưu tiên áp dụng công nghệ vào giáo dục nhằm giúp tầng lớp dân số trẻ tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.
Bất kể tình trạng lão hóa dân số và trình độ học vấn ra sao, bản báo cáo cũng kêu gọi việc tái nhận thức về công tác đào tạo giáo dục và kỹ năng, bao gồm việc học tập suốt đời, cũng như ứng dụng công nghệ và các cách tiếp cận mới để tạo nên nhiều công việc và môi trường làm việc phù hợp hơn với lao động cao tuổi.
Cải cách thị trường việc làm, an ninh xã hội và hệ thống thuế cũng sẽ khuyến khích người lớn tuổi tiếp tục làm việc. Cuối cùng, những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển dòng vốn, lao động và công nghệ xuyên biên giới sẽ đóng vai trò rất hữu ích trong việc giúp các nước đối phó với vấn đề đang tồn tại, bất chấp việc các nước đang ở trong các giai đoạn khác nhau trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và ứng dụng công nghệ.
Cũng theo nội dung bản báo cáo, hợp tác kinh tế khu vực nhìn chung vẫn duy trì mạnh mẽ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giúp khu vực đối phó tốt hơn với căng thẳng thương mại toàn cầu. Dựa trên dữ liệu vào năm 2017, Chỉ số Hội nhập và Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương mới nhất chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng và sự kết nối đã chứng kiến tiến bộ nhiều nhất. Tuy nhiên, mức độ hội nhập khu vực tổng quan lại giảm, do sự sụt giảm trong các biện pháp tài chính và tiền tệ. Đông Á và Đông Nam Á là những tiểu vùng hội nhập nhiều nhất với châu Á nói chung, trong khi Trung Á và Nam Á lại tụt khá xa so với mức trung bình của khu vực.
Đan Lê (Lược dịch từ ADB News)