Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất thép tấm tại Khu công nghiệp Phúc Điền, tỉnh Hải Dương. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo S&P Global, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, cũng như hoạt động mua hàng và việc làm đã có dấu hiệu tăng nhanh hơn, trong bối cảnh niềm tin kinh doanh tiếp tục được duy trì ở mức cao.
Trước đó vào tháng 8/2022, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của khu vực đã được ghi nhận ở mức 52,3 điểm, mức tăng trong tháng 9 đánh dấu tháng thứ 12 liên tiếp "sức khỏe" của ngành sản xuất ASEAN được cải thiện.
Đáng chú ý, 5 trong số 7 quốc gia thành viên ASEAN được khảo sát đã chứng kiện sự cải thiện về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Trong đó, Singapore ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ nhất về các điều kiện kinh doanh tổng thể, với chỉ số PMI ở mức 58,5 điểm. Ngoài ra, chỉ số PMI ngành sản xuất Thái Lan đạt 55,7 điểm, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập hồi tháng 12/2015.
Tại Philippines, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng, đạt 52,9 điểm; Việt Nam ghi nhận mức cải thiện tương tự như trong tháng 8, với chỉ số PMI ngành sản xuất đạt 52,5 điểm. Trong khi đó, Myanmar và Malaysia đã cho thấy các điều kiện sản xuất sụt giảm trong tháng 9 năm nay.
Về sản lượng và số lượng các đơn đặt hàng mới vào cuối quý III/2022, các công ty trong ngành sản xuất khu vực ASEAN đã ghi nhận mức tăng mạnh và nhanh hơn. Đây là tốc độ mở rộng nhanh nhất kể từ khi sản lượng và doanh số bán hàng tăng trở lại từ tháng 10 năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhờ các điều kiện nhu cầu được cải thiện và sản lượng gia tăng, các công ty đã mở rộng số lượng nhân viên trong tháng thứ 3 liên tiếp, tốc độ tạo việc làm đã đạt mức nhanh nhất kể từ khi chuỗi dữ liệu được thu thập hồi tháng 7/2012.
Đánh giá về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tiếp theo, các nhà sản xuất trong khu vực ASEAN tiếp tục duy trì sự lạc quan, với mức tâm lý lạc quan nói chung không thay đổi so mức được ghi nhận trong tháng 8. Được biết, tháng 8/2022 cũng là tháng ghi nhận mức lạc quan cao nhất kể từ tháng 11/2016.
Trong một nhận định về chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN trong tháng 9, bà Annabel Fiddes, Phó Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng: “Các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất ASEAN tháng 9 đã được cải thiện với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 năm, với sự hỗ trợ từ mức tăng nhanh hơn của số lượng các đơn đặt hàng mới, cũng như của sản lượng. Điều này đã dẫn đến mức tăng chưa từng có của việc làm, và hoạt động mua hàng khi các công ty tin tưởng vào triển vọng về sản lượng”.
Cũng theo bà Annabel Fiddes, một điều đáng khích lệ là áp lực lạm phát dường như đã giảm nhẹ vào cuối tháng 9 vừa qua, trong khi chi phí của các nhà sản xuất tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng 12 tháng, và giá xuất xưởng cũng tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2 năm nay.
“Dù vậy, những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các điều kiện tài chính thắt chặt và mức lạm phát cao trên toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong những tháng tiếp theo”, chuyên gia của S&P Global Market Intelligence nói thêm.
Thanh Ngân (Lược dịch từ S&P Global)