Thế giới

ASEAN: Dấu ấn 2022 & triển vọng 2023

ClockThứ Bảy, 21/01/2023 07:21
TTH - Năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã tập trung sự chú ý của thế giới với một loạt các hội nghị cấp cao, cho thấy sự thành công của chính sách kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị. Trong năm 2023, ngay cả khi dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, Đông Nam Á vẫn được giới chuyên gia nhận định và tin tưởng là đang nổi lên với tư cách là “người chiến thắng” về đầu tư và thương mại.

Việt Nam được dự báo nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2023

Dấu ấn trên trường quốc tế

Tháng 11/2022, ba hội nghị cấp cao bao gồm Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã lần lượt được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), Bali (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan).

Nhìn nhận về dấu ấn của khu vực, tờ Khmer Times trích dẫn một bài viết của tác giả Chang Chak-yan, đến từ Học viện Báo chí và Thông tin Taima (Malaysia) cho hay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng thu hút nhiều đối tác thương mại từ khắp nơi trên thế giới. Việc khu vực này thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đến 3 hội nghị nói trên cho thấy, cộng đồng quốc tế đã nhận thức được tầm quan trọng của khu vực đối với hòa bình và phát triển toàn cầu.

Trong khi đó, đối với ASEAN, các hội nghị đã tạo cơ hội thể hiện mối quan tâm về an ninh của tất cả các quốc gia; đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực.

Theo đó, kết quả từ các hội nghị này có thể đóng vai trò là “bước đệm” cho hòa bình và ổn định trên thế giới. Ông Kavi Chongkittavorn - một nhà báo kỳ cựu về các vấn đề khu vực cho biết, đầu tháng 5/2022, ba quốc gia chủ trì các hội nghị thượng đỉnh nói trên đã đưa ra một tuyên bố chung cho rằng, các hội nghị này “chia sẻ điểm chung mang lại một cơ hội duy nhất cho tất cả các quốc gia/nền kinh tế tham gia để cùng nhau thúc đẩy chương trình nghị sự chung trên toàn cầu và trong khu vực, cũng như các nỗ lực nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và toàn diện cho tất cả người dân”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022

ASEAN sẽ tiếp tục là điểm sáng

Bước sang năm 2023, các nhà kinh tế cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á có thể suy yếu, trong bối cảnh những “cơn gió ngược toàn cầu” ngày càng gia tăng. Song khu vực này có thể sẽ tiếp tục là “điểm sáng” trong một thế giới đang có nguy cơ bước vào suy thoái.

John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Credit Suisse kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế ASEAN-6 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ ở mức vừa phải, đạt mức 4,4% vào năm 2023, trong đó “nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi sẽ là động lực hỗ trợ cho nền kinh tế”.

Trong một nhận xét có liên quan, ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs ước tính, tốc độ tăng trưởng của khu vực sẽ chậm lại với sự giảm tốc đáng kể trong nửa đầu năm 2023, nhưng sẽ ổn định vào cuối năm sau.

Về triển vọng của các nhóm ngành, được quan tâm nhất phải kể đến là ngành du lịch của khu vực. Sau những tác động của đại dịch COVID-19, nỗ lực đưa khách du lịch trở lại là trọng tâm của các cuộc đàm phán của lãnh đạo các nước ASEAN trong những ngày cuối năm vừa qua.

ASEAN đang nỗ lực đến năm 2025 sẽ thu hút 152 triệu du khách, đến năm 2030 sẽ cán đích 187 triệu lượt, từ đó đưa khu vực trở lại đúng hướng để đáp ứng các dự báo đưa ra từ trước đại dịch trong “Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016 - 2025”.

Là thị trường khách tiềm năng, sự trở lại của du khách Trung Quốc sau thời gian dài áp dụng chính sách zero-COVID rõ ràng sẽ là điều mà các điểm đến Đông Nam Á đang chờ đợi trong năm 2023.

Nhìn chung, ngay cả khi phải đối mặt với nhiều thách thức và dự kiến sẽ xuất hiện suy thoái theo chu kỳ vào năm tới, Đông Nam Á vẫn được giới chuyên gia nhận định và tin tưởng là khu vực đang nổi lên với tư cách “là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị về đầu tư và thương mại”.

 Du khách quốc tế tại sân bay Ngurah Rai, Indonesia

Triển vọng Việt Nam

Với Việt Nam, giữa bối cảnh toàn cầu đầy thách thức và tốc độ tăng trưởng của khối ASEAN có xu hướng chậm lại, tăng trưởng GDP của đất nước trong năm 2022 và 2023 vẫn được dự báo sẽ thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, như đã được thể hiện trong nhiều dự báo và đánh giá của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, Moody’s, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đưa ra những tín hiệu lạc quan và dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7% và 6,5% trong năm nay.

Đánh giá về triển vọng năm 2023, Focus Economics cho rằng trong khi nhu cầu toàn cầu chậm lại sẽ là lực cản đối với xuất khẩu và việc thắt chặt chính sách tiền tệ gần đây có thể gây rủi ro cho hoạt động trong nước, nhưng sự phục hồi của ngành du lịch và sức hấp dẫn của đất nước với tư cách là nhà máy sản xuất cho các công ty nước ngoài sẽ hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Dù cảnh báo kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 khi tăng trưởng toàn cầu được cho là sẽ giảm tốc mạnh, Việt Nam – cùng với Phillipines, vẫn được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế Đông Nam Á vào năm 2023, theo đánh giá của Moody’s Analytics. Đồng quan điểm, Ngân hàng Thế giới cũng nhận định Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm nay và 6,7% trong năm 2023.

Bài: Nhóm biên dịch

Tổng hợp và lược dịch từ Khmer Times, The Business Times, SCMP, Philstar Global, Focus Economics & Moodys

Ảnh minh họa: Nhandan - TTXVN - THX/TTXVN

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC):
Triển vọng tăng trưởng tươi sáng hơn, nhưng rủi ro vẫn còn

Được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng và chính phủ, cũng như ngành du lịch, nền kinh tế khu vực Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được ước tính tăng trưởng 3,5% vào năm 2023, và dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024, cao hơn so với các ước tính trước đó, theo Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC (PSU).

Triển vọng tăng trưởng tươi sáng hơn, nhưng rủi ro vẫn còn
ASEAN - Australia tiến gần hơn đến an ninh khí hậu và kinh tế

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia đang kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác bằng một hội nghị cấp cao đặc biệt, dự kiến sẽ thảo luận về những nỗ lực chung sâu sắc hơn nhằm giảm lượng khí thải carbon trong khu vực.

ASEAN - Australia tiến gần hơn đến an ninh khí hậu và kinh tế
HỆ SINH THÁI THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG:
Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á đã chứng kiến những lợi ích to lớn từ toàn cầu hóa. Thương mại đã thúc đẩy các nền kinh tế và sinh kế, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN
Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35% trong năm 2023

Đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân ở khu vực Đông Nam Á đã giảm 34,5% xuống còn 5,5 tỷ USD hồi năm ngoái bất chấp số lượng giao dịch tăng lên, trong bối cảnh các nhà đầu tư mạo hiểm chuyển hướng nguồn vốn sang những công ty trẻ hơn.

Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35 trong năm 2023
“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương

Cán bộ, đảng viên, người dân Phú Vang luôn nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhiệm vụ quân sự quốc phòng, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển vững chắc. Để đạt được kết quả đó, có “dấu ấn” và đóng góp không nhỏ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện.

“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương
Return to top