Thế giới

ASEAN trước vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực

ClockChủ Nhật, 18/09/2022 06:59
TTH - Theo một bài viết được đăng tải trên Tạp chí The Business Times ngày 14/9, lạm phát lương thực và các mối đe dọa an ninh lương thực gia tăng đã thu hút sự chú ý lên các nhà sản xuất lương thực ở khu vực Đông Nam Á, tạo cơ hội cho các công ty trong khu vực.

ADB kêu gọi tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước ở châu Á - Thái Bình Dương

Cà phê sau khi được thu hoạch tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: TTXVN

Cơ hội trong bối cảnh thách thức

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã góp phần làm giá lương thực leo thang, khi cả 2 quốc gia này cùng chiếm một phần lớn nguồn cung lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương trên thế giới. Trong khi đó, Đông Nam Á là quê hương của một số nhà sản xuất hàng hóa nông sản chính như dầu cọ, gạo và đậu khô. Khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ giúp khu vực này trở thành một vùng trồng trọt chính. Từ đó, có những ý kiến cho rằng, khu vực có thể đảm nhận vai trò như một nhà cung cấp lương thực quan trọng.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng gây ra rủi ro đối với sản lượng lương thực, vốn cũng đang đối mặt với sự sụt giảm ở một số khu vực trên thế giới. Nhận định về vấn đề này, ông Gregory Seow, Giám đốc Ngân hàng Toàn cầu của Ngân hàng Maybank Singapore cho rằng, Đông Nam Á “không chắc sẽ trở thành vựa lương thực cho thế giới trong thời điểm hiện nay”; mặc dù khu vực này đang xuất khẩu nguồn cung lương thực đáng kể sang các quốc gia khác.

Trong đó, ông Gregory Seow ghi nhận tình trạng “trì trệ sản lượng” ở các quốc gia như Indonesia, Myanmar, Thái Lan...; đồng thời lưu ý: “Tiến trình đô thị hóa đã dẫn đến đất nông nghiệp để trồng trọt và thu hoạch ít hơn; điều này ảnh hưởng đến sản lượng lương thực xuất khẩu”.

Cũng theo nhà kinh tế từ Maybank Singapore, Đông Nam Á là một khu vực tiêu thụ chính đối với các loại lương thực chủ lực như gạo và ngũ cốc, sự gia tăng dân số của khu vực sẽ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu lớn hơn đối với các mặt hàng chủ lực này.

Trên thực tế, khu vực cũng là nhà nhập khẩu chính đối với một số mặt hàng nông sản, những mặt hàng mà nhu cầu nội địa tiếp tục vượt mức sản xuất trong nước. Ví dụ điển hình là Indonesia và Philippines, những quốc gia nhập khẩu gạo dù họ cũng trồng loại lương thực này. Bên cạnh đó, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mì và thức ăn gia súc, do khí hậu nhiệt đới của khu vực không phù hợp cho việc trồng lúa mì.

Một người phát ngôn của Commodities Intelligence Center (CIC), sàn giao dịch toàn cầu đối với các mặt hàng vật chất cho biết thêm, biến đổi khí hậu là một thách thức khác đối với ngành công nghiệp này. Tình trạng thiếu hụt lượng mưa có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng nông sản.

Hoạt động tại các nhà sản xuất chính

Bài viết đã cho thấy cái nhìn cụ thể vào các nhà sản xuất cây trồng lớn ở Đông Nam Á. Theo đó, Indonesia được nhận định là “cường quốc về hàng hóa nông sản của Đông Nam Á”, quốc gia này là một trong những nhà sản xuất dầu cọ thô lớn nhất, và cùng với Malaysia đang chiếm phần lớn nguồn cung dầu cọ thô trên thế giới.

Phần lớn sản lượng dầu cọ của Indonesia được xuất khẩu sang các quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Hà Lan. CIC cho hay: “Sản lượng dầu cọ toàn cầu đang được thống trị bởi Indonesia và Malaysia. Hai quốc gia này cùng chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng dầu cọ toàn cầu”.

Ngoài ra, Indonesia cũng là nhà sản xuất chính đối với hạt ca cao, gạo, mía đường, ngô, và hạt khô. Theo Công ty Statista, Indonesia đã sản xuất khoảng 170.000 tấn hạt ca cao trong niên vụ 2020-2021; đồng thời được dự báo ​​sẽ sản xuất 180.000 tấn vào niên vụ 2021-2022.

Cùng với Indonesia, Malaysia là một trong những nhà sản xuất dầu cọ thô hàng đầu thế giới. Cây cọ dầu cần một lượng mưa và nắng ổn định để phát triển, và nhiệt độ cao hoặc lượng mưa lớn có thể ảnh hưởng xấu đến năng suất. Các nhà quan sát thị trường đang theo dõi chặt chẽ mức tồn kho dầu cọ của Malaysia, con số này sẽ được báo cáo hàng tháng nhằm đánh giá động lực cung và cầu của ngành này. Ngoài ra, Malaysia cũng là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực đối với ca cao, quốc gia này là một trong những trung tâm chế biến và xay hạt ca cao lớn nhất.

Đáng chú ý, bài viết của The Business Times khẳng định, Việt Nam là một “trung tâm cà phê”. Cụ thể, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn nhất Đông Nam Á; và lớn thứ 2 trên toàn cầu, sau Brazil. Bài viết trích dẫn số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, xuất khẩu cà phê của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 293.000 tấn, trị giá 674 triệu USD, đánh dấu mức tăng 3,4% về lượng và tăng 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích thị trường cũng nói thêm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang giảm nhanh hơn dự kiến, mặc dù giá cước vận tải đã hạ nhiệt. Ước tính cho niên vụ 2021-2022 được cắt giảm nhẹ, xuống còn tổng cộng 30,1 triệu bao, và ước tính trong năm tới cũng được hạ xuống còn 29,4 triệu bao.

Trong khi đó, Thái Lan được xem là “vựa đường của Đông Nam Á”, đây là nhà xuất khẩu đường hàng đầu trên toàn cầu, và mía là một trong những cây nông nghiệp hàng đầu của quốc gia này. CIC cho hay, tiêu thụ đường được dự kiến ​​sẽ tăng lên mức 2,5 triệu tấn vào năm 2023, cùng với sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Người phát ngôn của CIC nhấn mạnh, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng chủ yếu dựa vào Thái Lan với vai trò là nguồn cung đường. Ngoài ra, “nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ” đối với mặt hàng nông sản này dự kiến ​​sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu đường của Thái Lan lên mức 10,5 triệu tấn trong năm 2023.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế

Với vai trò 2 quận trung tâm của TP. Huế trực thuộc Trung ương, năm 2025, lĩnh vực hợp tác quốc tế (HTQT) sẽ tiếp tục được mở rộng thông qua việc xây dựng chiến lược về kênh thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh của TP. Huế, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn.

Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế
ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững
Return to top