Thế giới

ASEAN và Nga kỳ vọng đưa quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới

ClockThứ Năm, 10/02/2022 14:00
Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Nga, Tổng thống Putin khẳng định hợp tác của Nga với ASEAN đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định và an ninh, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững ở khu vực.

Nga tăng cường thúc đẩy ngoại giao văn hóa với các nước ASEANHội thảo về hợp tác Nga và ASEAN ở châu Á-Thái Bình DươngNgoại trưởng Lavrov: Nga ưu tiên phát triển quan hệ với ASEANASEAN-Nga tăng cường hợp tác, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược

Lãnh đạo các nước ASEAN và Nga tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Ngày 9/2, phát biểu tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Nga, người phát ngôn Maria Zakharova bày tỏ hy vọng quan hệ đối tác chiến lược của Liên bang Nga và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ được nâng lên tầm cao mới. 

Bình luận về sự kiện khai mạc Năm Hợp tác khoa học-kỹ thuật giữa ASEAN và Liên bang Nga sẽ diễn ra vào ngày 14/2, bà Zakharova nhấn mạnh quyết định tổ chức sự kiện này được đưa ra theo sáng kiến của phía Nga tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm Nga-ASEAN năm 2021.

Trong năm nay, các bên sẽ tổ chức một số hội nghị, hội thảo và đối thoại kinh doanh về các chủ đề y học, nguyên tử vì mục đích hòa bình, năng lượng, số hóa, giáo dục và sinh thái.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Các dự án sẽ nhằm phát triển hợp tác ASEAN-Nga trong các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và tri thức chuyên sâu. Việc thực hiện chương trình rất phong phú này sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ chuyên ngành hiện có mà còn đưa quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN lên một tầm cao mới.”

Theo bà, lễ khai mạc Năm Hợp tác khoa học-kỹ thuật giữa ASEAN và Liên bang Nga sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình với sự tham dự của các quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cùng các bên liên quan của 10 quốc gia ASEAN. 

Cũng tại cuộc họp báo, bà Zakharova đã thông báo về cuộc họp sắp tới của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với các thành viên của Ủy ban ASEAN tại Moskva, bao gồm các đại sứ của các nước thành viên ASEAN tại Nga.

Cuộc gặp này sẽ diễn ra vào ngày 17/2, tập trung vào việc triển khai các quyết định của Hội nghị cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN-Nga được tổ chức vào tháng 10/2021 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương. 

Dự kiến quan chức các nước cũng sẽ thảo luận các biện pháp xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa  hai bên trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế và văn hóa xã hội.

Phía Nga đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề cùng ứng phó với các thách thức và mối đe dọa hiện tại, bao gồm cả trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh.

Bà Zakharova nói: "Chúng tôi sẽ trao đổi quan điểm về một số vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực, bao gồm tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Theo giới quan sát, những kỳ vọng mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đưa ra là hoàn toàn có cơ sở khi mà thời gian gần đây, quan hệ ASEAN-Nga ghi nhận nhiều bước tiến tích cực.

Nga và ASEAN không có bất kỳ mâu thuẫn hoặc tranh chấp nghiêm trọng. Trái lại, cả hai bên cùng chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Hai bên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và tăng trưởng bao trùm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng 10/2021, các bên đã thông qua Kế hoạch Hành động toàn diện nhằm thực hiện quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Liên bang Nga giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định các ưu tiên của cả hai bên và các biện pháp thực hiện nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng của quan hệ đối tác trong tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 4 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ kế hoạch này, Nga và ASEAN nhất trí tăng cường quan hệ đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, hợp tác văn hóa-xã hội, hợp tác phát triển, đồng thời cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác vì lợi ích của các bên cùng có lợi và thịnh vượng hơn.

Đáng chú ý, đầu tháng 12/2021, hải quân các nước ASEAN và Nga tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên kéo dài 3 ngày ở ngoài khơi tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động trong khu vực hàng hải chiến lược này.

Các nước thành viên ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Brunei đã đưa tàu chiến hoặc máy bay tham gia cuộc tập trận.

Giữa tháng 1 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Liên bang Nga lần thứ nhất, các bên ra tuyên bố chung 8 điểm, trong đó nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch ở ASEAN và Nga sau đại dịch COVID-19.

Hội nghị nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực du lịch trong khuôn khổ Kế hoạch Công tác hợp tác du lịch ASEAN-Liên bang Nga giai đoạn 2022-2024; khuyến khích giao lưu nhân dân; khuyến khích hợp tác vì du lịch bền vững và toàn diện ở ASEAN và Nga.

Ngoài ra, lãnh đạo và các quan chức cấp cao của Nga luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ tăng cường hợp tác với ASEAN.

Ngày 26/1, phát biểu trước cử tọa là các nghị sỹ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga quan tâm mở rộng tương tác với phần lớn các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm ASEAN.

Ông đánh giá hợp tác với ASEAN đang phát triển nhanh chóng, khẳng định Moskva ủng hộ vai trò hàng đầu của ASEAN trong việc giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Myanmar.

Đây không chỉ là quan điểm của cá nhân người đứng đầu cơ quan ngoại giao, mà còn là quan điểm chỉ đạo đối ngoại được đề cập trong phiên bản cập nhật về Chiến lược An ninh quốc gia Nga do Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt giữa năm 2021.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Bộ Ngoại giao, Tổng thống Putin khẳng định: “Hợp tác của Nga với ASEAN đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định và an ninh, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Nga có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đối thoại chính trị ở cấp cao và cấp cao nhất luôn diễn ra ở cường độ cao.

Lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp gỡ bên lề các sự kiện đa phương. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó có Nga, ký kết Hiệp định Thương mại tự do (tháng 5/2015).

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Nga luôn khẳng định hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam, người bạn lâu đời và đáng tin cậy của Liên bang Nga.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, trong năm 2022 này, hai nước dự định tiếp tục đối thoại và hợp tác chính trị chuyên sâu về một số chủ đề và lĩnh vực chính theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn chung về phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, được thông qua trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào cuối năm 2021.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2024:
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu bằng văn bản tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương đan xen sâu sắc vào cấu trúc toàn cầu hóa kinh tế và hiện là một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau với những lợi ích chung và tương lai chung.

Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa
Cải cách cốt lõi và hợp tác là cần thiết để đảm bảo tương lai APEC

Các cuộc họp chính trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 nhằm mục đích cung cấp định hướng chính sách rộng lớn hơn cho các thành viên APEC để tạo ra một môi trường có điều kiện thuận lợi cho thương mại và khai thác hội nhập kinh tế khu vực, tăng trưởng do công nghệ thúc đẩy, cũng như tăng cường đổi mới kinh doanh và việc làm, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cải cách cốt lõi và hợp tác là cần thiết để đảm bảo tương lai APEC
Return to top