Tăng cường kết nối, triển khai linh hoạt và phù hợp các chính sách cũng như kế hoạch sẽ giúp ASEAN phát triển hơnt rong tương lai. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo
Cụ thể, trong tuyên bố về “Tăng cường kết nối giao thông ASEAN để thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực” tại Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN (ALPF) vừa diễn ra tại Phnom Penh, Bộ trương Sun Chanthol nhận định rằng: “Theo báo cáo đầu tư giai đoạn 2020 – 2021, các năm 2019 và 2020 là hai mốc thời gian đặc biệt đối với ASEAN về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trích dẫn báo cáo, Bộ trưởng Sun Chanthol thông tin, ASEAN đã nhận được dòng vốn FDI cao nhất từ trước đến nay là 182 tỷ USD ghi nhận trong năm 2019, đưa ASEAN trở thành quốc gia nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển. Năm 2020, chứng kiến tác động chưa từng có gây nên bởi đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI đổ vào ASEAN giảm 25%, xuống còn 137 tỷ USD.
“Tuy ghi nhận có sự giảm sút, song ASEAN vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn; tỷ trong vốn FDI toàn cầu của khu vực đã tăng từ 11,9% ghi nhận vào năm 2019 lên mức 13,7% vào năm 2020”, Bộ trưởng Sun Chanthol chia sẻ.
Được biết, trong giai đoạn đại dịch, hầu hết các ngành bên cạnh những ngành thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kinh tế kỹ thuật số đều chứng kiến lượng vốn FDI giảm. Trong đó, FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất giảm 55%, từ 49 tỷ USD trong năm 2019 xuống chỉ còn 22 tỷ USD. Đây được xem là một yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm chung.
Thêm vào đó, FDI cũng chững lại trong các ngành dịch vụ như tài chính, khách sạn, du lịch, bất động sản và xây dựng.
Tuy nhiên, mức đầu tư đã tăng lên trong các lĩnh vực liên quan đến cơ sở hạ tầng như điện, thông tin và truyền thông, cũng như vận tải và lưu trữ, qua đó khẳng định khả năng phục hồi của những lĩnh vực này trong thời điểm kinh tế đầy thách thức.
Bộ trưởng Sun Chanthol cho biết, kể từ sau đại dịch COVID-19, các nước thành viên ASEAN đã tăng cường thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, được tạo điều kiện bởi các kế hoạch cơ sở hạ tầng quốc gia đầy tham vọng, cộng thêm các chính sách và cơ hội lớn hơn cho sự tham gia của khu vực tư nhân.
Bộ trưởng cho biết : “Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực được ước tính là từ 110 tỷ USD đến 184 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2015-2030”.
Theo báo cáo của ASEAN Key Figures 2021, trong hai thập kỷ qua, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của ASEAN đã tăng gấp 3,5 lần, đạt hơn 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều có xu hướng gia tăng cho đến năm 2019. Tuy nhiên, đai dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nhập và xuất khẩu trong năm 2020, dẫn đến tổng thương mại hàng hóa ASEAN giảm 8% si với năm 2019.
Thương mại nội khối ASEAN liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thương mại ASEAN. Trong năm 2020, thương mại nội khối ASEAN chiếm 21,2% tổng thương mại hàng hóa trong khu vực.
Bộ trưởng Sun Chanthol chỉ ra rằng, việc tăng cường Kết nối Giao thông ASEAN sẽ giúp các nước thành viên của khối khu vực ASEAN thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Kết nối ASEAN bao gồm các mối liên kết vật lý, thể chế và giao lưu nhân dân, những yếu tố quan trọng trong việc đạt được các trụ cột kinh tế, chính trị - an ninh và văn hóa xã hội của một Cộng đồng ASEAN hội nhập. Tăng cường Kết nối Giao thông vận tải ASEAN sẽ không chỉ đóng góp vào một ASEAN kết nối tốt và bền vững hơn, mà còn giúp các quốc gia thành viên của ASEAN thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.
Về tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa vận tải đường bộ trong khu vực, vị bộ trưởng cho biết thêm rằng ASEAN đã tiếp tục cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, với tổng chiều dài đường bộ tăng 80% trong thập kỷ qua, tương đương với mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 6,7% từ 1,4 triệu km vào năm 2010 lên hơn 2,5 triệu km trong năm 2020.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)