Thế giới
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):

Bất bình đẳng tiền lương giảm ở 2/3 các quốc gia trên thế giới

ClockThứ Sáu, 29/11/2024 14:56
TTH.VN - Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho hay, bất bình đẳng tiền lương đã giảm ở khoảng 2/3 các quốc gia kể từ đầu thế kỷ 21. Tiền lương trung bình thực tế toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại khi lạm phát giảm dần.

Tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết thách thức lao động toàn cầuViệc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng cao kỷ lục

 Người lao động làm việc trong một nhà máy ở Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Tuy nhiên, cũng theo ILO, bất chấp những kết quả tích cực này, mức độ bất bình đẳng tiền lương vẫn ở mức cao, khiến đây trở thành vấn đề chính sách cấp bách.

Báo cáo “Tiền lương toàn cầu giai đoạn 2024 - 2025: Bất bình đẳng tiền lương có đang giảm trên toàn cầu?” phát hiện, kể từ đầu những năm 2000, bất bình đẳng tiền lương khi so sánh tiền lương của những người có thu nhập cao và thấp đã giảm ở nhiều quốc gia với tốc độ trung bình từ 0,5 - 1,7% mỗi năm, tùy thuộc vào thước đo được sử dụng. Mức giảm đáng kể nhất được ghi nhận ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi mức giảm trung bình hàng năm dao động từ 3,2 - 9,6% trong hai thập kỷ qua.

Bất bình đẳng tiền lương đang giảm với tốc độ chậm hơn ở các quốc gia giàu có, giảm hàng năm từ 0,3 - 1,3% ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, và từ 0,3 - 0,7% ở các quốc gia có thu nhập cao. Hơn nữa, mặc dù bất bình đẳng tiền lương nhìn chung đã thu hẹp, nhưng mức giảm đáng kể hơn được ghi nhận ở những người lao động hưởng lương ở mức cao của thang lương.

Vẫn tồn tại sự khác biệt giữa các khu vực

Cơ quan lao động của Liên hợp quốc cũng nhận thấy, tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát trong thời gian gần đây. Năm 2023, tiền lương thực tế toàn cầu tăng 1,8% với dự báo đạt mức tăng trưởng 2,7% cho năm 2024, mức tăng cao nhất trong hơn 15 năm. Những kết quả tích cực như vậy đánh dấu sự phục hồi đáng kể khi so sánh với mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu âm, ở mức - 0,9%, được ghi nhận hồi năm 2022, giai đoạn khi tỷ lệ lạm phát cao vượt xa mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa.

Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương không đồng đều giữa các khu vực, với các nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng mạnh hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi các nền kinh tế G20 tiên tiến ghi nhận mức giảm lương thực tế trong 2 năm liên tiếp (- 2,8% vào năm 2022 và - 0,5% vào năm 2023), tăng trưởng lương thực tế vẫn duy trì ở mức dương trong cả 2 năm tại các nền kinh tế G20 mới nổi (1,8% vào năm 2022 và 6% vào năm 2023).

Các mô hình tăng trưởng tiền lương theo khu vực có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, người lao động hưởng lương ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung và Tây Á, và Đông Âu đã ghi nhận mức tăng lương thực tế nhanh hơn so với những người lao động ở các khu vực khác trên thế giới.

“Sự trở lại mức tăng trưởng lương thực tế dương là một bước tiến đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hàng triệu người lao động và gia đình của họ vẫn đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đã làm xói mòn mức sống của họ; và chênh lệch tiền lương giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được”, Tổng Giám đốc ILO, ông Gilbert F. Houngbo cho biết.

Bất bình đẳng tiền lương dai dẳng

Mặc dù đã có những tiến bộ gần đây, nhưng mức độ bất bình đẳng tiền lương cao vẫn là một vấn đề cấp bách. Báo cáo của ILO cho thấy, mức lương của 10% người lao động được trả lương thấp nhất chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị tiền lương toàn cầu, trong khi mức lương của 10% người lao động được trả lương cao nhất chiếm gần 38% tổng tiền lương này. Bất bình đẳng tiền lương cao nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, với gần 22% người lao động được xếp vào nhóm người lao động được trả lương thấp.

Phụ nữ và người lao động trong nền kinh tế phi chính thức có nhiều khả năng nằm trong số những người được trả lương thấp nhất. Phát hiện này củng cố nhu cầu hành động có mục tiêu để thu hẹp khoảng cách tiền lương và việc làm, đồng thời đảm bảo mức lương công bằng cho tất cả người lao động được hưởng lương.

“Các chiến lược quốc gia nhằm giảm bất bình đẳng đòi hỏi phải tăng cường các chính sách và thể chế về tiền lương. Nhưng điều quan trọng không kém là thiết kế các chính sách thúc đẩy năng suất, công việc thỏa đáng và chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức”, bà Giulia De Lazzari, nhà kinh tế học của ILO, và là một trong những tác giả chính của báo cáo nói trên lưu ý.

Bên cạnh đó, việc giảm bất bình đẳng tiền lương đòi hỏi cả các chính sách tiền lương mạnh mẽ và sự hỗ trợ có cấu trúc cho tăng trưởng công bằng. Bằng cách giải quyết những thách thức này, các quốc gia có thể đạt được tiến bộ thực sự hướng tới việc thu hẹp khoảng cách tiền lương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng, bền vững cho người lao động trên toàn thế giới.

LÊ THẢO (Lược dịch từ ILO)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
AI - Xu thế tất yếu của kỷ nguyên mới

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi thế giới với tiềm năng định hình lại sự phát triển toàn cầu. Với sức mạnh biến đổi và tốc độ áp dụng nhanh chóng, AI chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Trong kỷ nguyên công nghệ này, thế giới đang đón nhận những cơ hội to lớn, cũng như thách thức chưa từng có.

AI - Xu thế tất yếu của kỷ nguyên mới
Return to top