Thế giới

Bất chấp nhiều thập kỷ tiến bộ, 251 triệu trẻ em toàn cầu vẫn thất học

ClockThứ Sáu, 01/11/2024 15:37
TTH.VN - Mặc dù đã có nhiều thập kỷ tiến bộ về giáo dục và các cam kết quốc tế, hơn 1/4 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới hiện nay vẫn chưa được đến trường, Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO năm 2024 vừa được công bố ngày 31/10 cho biết.

222 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang cần được hỗ trợ giáo dụcHàng triệu trẻ em Philippines trở lại trường học sau hơn 2 năm đại dịchSáng kiến “Trường học Kỹ thuật số” đặt mục tiêu giáo dục cho 1 triệu trẻ tị nạn trong 5 năm tới

Số lượng trẻ không được đi học chỉ giảm 1% trong gần 10 năm qua. Ảnh minh họa: UNICEF 

Những phát hiện này cho thấy các nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo phổ cập giáo dục đã dần đến ngưỡng đáng lo ngại, khi số lượng trẻ không được đi học chỉ giảm 1% trong gần 10 năm qua.

Tiến bộ và thách thức

Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục toàn cầu (GEM) của UNESCO đang diễn ra tại Fortaleza, Brazil, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh “giáo dục là động lực chính của các xã hội thịnh vượng, hòa nhập và hòa bình”. “Tuy nhiên, giáo dục chất lượng có nguy cơ trở thành đặc quyền của một số ít người nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp nghiêm túc để trao cho mọi trẻ em trên toàn cầu cơ hội học tập và phát triển như nhau”, bà nói thêm.

Theo báo cáo, đã có thêm 110 triệu trẻ em và thanh thiếu niên được đi học kể từ khi Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc về giáo dục được thông qua vào năm 2015, với số lượng trẻ em đến trường hiện nay nhiều hơn bao giờ hết (một phần do sự gia tăng dân số toàn cầu). Đồng thời, tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng đang tăng lên với số thanh thiếu niên hoàn thành chương trình trung học phổ thông hiện nay tăng thêm 40 triệu người so với năm 2015.

Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, tỷ lệ trẻ không được đến trường chỉ giảm 1%, do đó, 251 triệu trẻ em và thanh thiếu niên vẫn đang thất học. Đáng lưu ý, khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực vẫn còn rất lớn: 33% trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học ở các quốc gia thu nhập thấp không được đến trường, so với chỉ 3% ở các quốc gia thu nhập cao. 

Cũng theo báo cáo, châu Phi cận Sahara phải đối mặt với những thách thức lớn nhất khi đây là nơi sinh sống của hơn 50% số trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường trên toàn cầu.

Tài chính giáo dục là nút thắt

Báo cáo chung về Giám sát Tài chính giáo dục năm 2024 của UNESCO và Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố hôm qua đã xác nhận một trong những trở ngại chính trong việc mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng trên toàn cầu vẫn là tình trạng thiếu kinh phí kinh niên: 40% các quốc gia đang chi thấp hơn 15% tổng tiêu công và chưa tới 4% GDP cho giáo dục - hai tiêu chuẩn đã thống nhất.

Khoảng cách đầu tư cho giáo dục giữa các quốc gia cũng có sự chênh lệch rất lớn: các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chỉ chi 55 USD cho mỗi học sinh vào năm 2022, so với 8.543 USD/học sinh ở các quốc gia có thu nhập cao. Và tình hình càng trở nên phức tạp hơn do gánh nặng nợ ngày càng gia tăng. Báo cáo chung của UNESCO - WB cho biết vào năm 2022, các quốc gia châu Phi đã phải chi cho việc trả nợ so bằng với số tiền được chi cho giáo dục. Đồng thời, tỷ lệ viện trợ phát triển chính thức dành cho giáo dục trên toàn cầu đã giảm từ 9,3% vào năm 2019 xuống còn 7,6% vào năm 2022.

Để ứng phó, UNESCO - hợp tác với Brazil (Chủ tịch G20 năm nay), đang kêu gọi các cơ chế tài chính sáng tạo và thúc giục các quốc gia xem xét một nền tảng đa phương dành riêng để chuyển nợ thành nguồn tài chính bền vững cho giáo dục.

Thông qua nền tảng này, các quốc gia đang gánh chịu mức nợ không bền vững có thể đàm phán để chuyển đổi thành đầu tư cho giáo dục, có thể được xây dựng dựa trên chuyên môn của các bên liên quan chính trong lĩnh vực này, bao gồm UNESCO, G20 và các quỹ đa phương cho giáo dục như Đối tác toàn cầu về giáo dục.

Được biết, Hội nghị Giáo dục Toàn cầu do UNESCO tổ chức và Chính phủ Brazil đăng cai đang diễn ra tại Fortaleza từ 31/10 - 1/11. Đây là một trong những hội nghị giáo dục quốc tế lớn nhất và là hội nghị thứ tư trong chuỗi các cuộc họp do UNESCO triệu tập kể từ năm 2018 nhằm đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu giáo dục trên toàn cầu. Lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức song song với Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục G20 và được đặt trong chủ đề công bằng và hòa nhập, phù hợp với các ưu tiên của Chủ tịch G20 Brazil, trong đó UNESCO là đối tác đặc quyền.

Theo UNESCO, Tuyên bố Fortaleza - kết quả của Hội nghị Giáo dục toàn cầu 2024, sẽ được hơn 40 Bộ trưởng Giáo dục các nước thông qua, đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ ưu tiên giáo dục như một đòn bẩy quan trọng cho tương lai công bằng và bền vững hơn. Tuyên bố cũng kêu gọi đổi mới các phương pháp tiếp cận giáo dục để giải quyết những thách thức cấp bách của thời đại hiện nay, thông qua việc đưa giáo dục khí hậu vào chương trình giảng dạy trong trường học, thúc đẩy giáo dục vì hòa bình, cũng như đẩy mạnh bình đẳng giới trong và thông qua giáo dục.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & UNESCO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa

Hãng tin UN News ngày 7/12 cập nhật, được hơn 140 quốc gia ủng hộ, trong phiên họp mới nhất diễn ra vào ngày 6/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết thúc đẩy cuộc chiến chống buôn bán trái phép tài sản, hiện vật văn hóa và tạo điều kiện trả lại các hiện vật bị đánh cắp cho quốc gia xuất xứ.

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Return to top