Hãng thông tấn Nikkei ngày 1/3 công bố, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng lên 50,3 điểm hồi tháng 2 vừa qua, từ mức 50 điểm trong tháng 1.
Công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở Việt Nam. Ảnh: The Straitstimes
Dù chỉ với tốc độ tăng nhẹ, đây là mức cải thiện đầu tiên kể từ tháng 9/2016, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất khu vực có sự cải thiện đáng kể. Nổi bật trong đó là Việt Nam, quốc gia đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng từ 51,9 điểm trong tháng 1 lên 54,2 điểm trong tháng 2.
Theo báo cáo của Nikkei, điều kiện hoạt động được cải thiện ở hầu hết các nền kinh tế thuộc ASEAN, ngoại trừ Indonesia, Malaysia và Singapore. Đáng chú ý, Việt Nam là nước có điều kiện hoạt động được cải thiện tốt nhất trong 21 tháng.
Bên cạnh đó, chỉ số PMI tăng nhờ sự mở rộng của sản lượng và số lượng các đơn đặt hàng mới. Nhu cầu khách hàng tăng cũng góp phần cải thiện hoạt động mua hàng trong toàn khu vực lần đầu tiên trong 5 tháng.
Tuy nhiên, Nikkei nhận định, mức độ lạc quan trong kinh doanh của lĩnh vực sản xuất khu vực vẫn thấp hơn mức trung bình của lịch sử khảo sát. Cụ thể, chỉ số PMI của từng quốc gia cho thấy sự khác biệt lớn về kỳ vọng sản lượng ngành sản xuất trong tương lai.
Ông Bernard Aw, chuyên gia kinh tế tại công ty thu thập kết quả khảo sát IHS Markit cho rằng, nếu xét toàn bộ khu vực, điều kiện kinh doanh nói chung của hầu hết các quốc gia đều có sự cải thiện. Thế nhưng, nếu xét từng quốc gia, ngành sản xuất của các nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở những tốc độ khác nhau.
"Điều này được phản ánh ở sự chênh lệch đáng kể về mức độ lạc quan trong kinh doanh của các nhà sản xuất ASEAN. Trong khi đa số các nhà sản xuất hàng hóa ở Philippines, Indonesia và Việt Nam lạc quan về triển vọng trong 12 tháng tới, thì mức độ lạc quan ở Thái Lan, Malaysia và Myanmar lại thấp hơn đáng kể. Thậm chí, các nhà sản xuất của Singapore đã thể hiện sự bi quan về sản lượng tương lai trong năm tới”, chuyên gia Aw cho hay.
Ngoài ra, chi phí hoạt động tăng vẫn là mối quan ngại chính của các nhà sản xuất khu vực. Chi phí tiếp tục tăng nhanh hơn giá bán sẽ tạo thêm áp lực cho biên lợi nhuận. "Chính sách, lạm phát tăng có thể làm các ngân hàng trung ương ở ASEAN khó có thể đưa thêm các gói nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này cho thấy chính sách tài khóa dường như phải đảm đương vai trò thúc đẩy tăng trưởng", ông Aw nhấn mạnh.
LÊ THẢO (Lược dịch từ Nikkei, Markit Economics & AEC News Today)