ClockThứ Bảy, 22/07/2017 16:56

Đông Nam Á trước mối nguy IS: Ba vấn đề cần giải quyết

TTH - Sự sụp đổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Mosul (Iraq) sẽ mang lại những mối đe dọa mới cho Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, khu vực này liệu đã sẵn sàng để đối phó với hiểm họa?

Những kẻ thánh chiến giăng cờ của IS ở Indonesia. Ảnh: Breitbart

Sau hơn 37 tháng tồn tại từ khi tuyên bố thành lập “Vương quốc Hồi giáo” hồi tháng 6/2014, các lãnh thổ chiếm đóng và lực lượng chiến đấu của IS đến nay suy thoái nghiêm trọng. Với chiến thắng của quân đội Iraq trước IS ở Mosul (Iraq), việc các lực lượng Syria có thể đánh chiếm để giành lại được thành phố Raqqa từ tay IS chỉ là vấn đề thời gian. Điều này có nghĩa “đế chế Hồi giáo” tại Trung Đông sẽ biến mất. Tuy nhiên, thay vì phấn khởi về sự biến mất của IS ở Syria và Iraq, những nguy cơ mới lại tăng lên ở Đông Nam Á. Thất bại của IS ở Trung Đông không báo hiệu sự chấm dứt mối đe dọa khủng bố từ Hồi giáo cực đoan. Trước tình hình này, có ba vấn đề chính mà khu vực Đông Nam Á cần giải quyết ngay sau khi IS sụp đổ.

Mô hình IS được “xuất khẩu” sang Đông Nam Á

IS là mô hình đại diện cho một loại khủng bố kiểu mới, sở hữu năng lực quân sự đa quốc gia, kiểm soát các vùng đất rộng lớn và thành lập chính quyền quản lý, với khả năng tấn công các lực lượng đối lập một cách thường xuyên, cả trong và ngoài nước. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mô hình này sắp kết thúc sau nhiều thất bại hiện nay ở Trung Đông. Nhưng thay vì chỉ tập trung ở Syria và Iraq, các cơ sở hoạt động mới của IS sẽ xuất hiện. Mô hình IS đã được “xuất khẩu”, thể hiện rõ ở Libya và Yemen, và có thể ở một phần của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trên thực tế, IS đã cố gắng cấy ghép mô hình này cho lực lượng Poso ở Indonesia nhưng đã bị quân đội nước này vô hiệu hóa. Những gì đang diễn ra ở Marawi, Philippines cũng được coi là biểu tượng cho mô hình IS đang hoạt động ở Đông Nam Á.

Về vấn đề này, The Diplomat có bài viết cho rằng, ngay cả khi thành phố Marawi được chính phủ Philippines giành lại, thì mô hình hoạt động của IS cũng đã lan tới khu vực và có thể sẽ có nhiều hoạt động tương tự như Marawi xuất hiện ở Indonesia, Thái Lan và Myanmar. Các nước Đông Nam Á buộc phải học cách chống lại sự xâm nhập của các chiến binh nước ngoài vào khu vực dưới sự ủng hộ các nhóm cực đoan.

Đế chế “hậu IS”

IS được hình thành từ một nhóm tách ra khỏi al-Qaeda và thành lập một vương quốc Hồi giáo. Trong khi mô hình IS không tồn tại quá lâu ở Trung Đông, rất có khả năng một mô hình IS+ sẽ tái xuất hiện trong tương lai gần ở nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á.

Kịch bản “hậu IS” cũng không loại trừ khả năng mạo hiểm khi IS và al-Qaeda sáp nhập với nhau, nhất là khi những kẻ lãnh đạo al-Qaeda già nua rời khỏi vị trí. Khả năng này không thể bác bỏ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà cả hai nhóm đều có dấu ấn mạnh mẽ. Ngay cả trong tình hình an ninh hiện nay, cả nhóm ủng hộ al-Qaeda và hậu thuẫn IS đều có sự hiện diện ở Đông Nam Á, với nhiều người Đông Nam Á chiến đấu cho IS hoặc cánh quân sự của al-Qaeda, Jabhat al-Nusra ở Trung Đông.

Quản lý những kẻ trở về

Sau khi IS tuyên bố thành lập năm 2014, nhiều người Đông Nam Á đã đến Syria và Iraq, chủ yếu để gia nhập và chiến đấu cho IS. Mặc dù chưa có con số chính xác, nhưng ước tính có hơn 1.000 người Đông Nam Á, cả những chiến binh và thành viên trong gia đình, ủng hộ và sống với IS. Hơn 100 người Đông Nam Á được cho đã thiệt mạng khi chiến đấu ở Trung Đông, phần lớn từ Indonesia. IS thậm chí còn thành lập một đơn vị chiến đấu dành cho cộng đồng nói tiếng Mã Lai của Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo của Bahrumsyah.

Với khả năng IS ở Trung Đông có thể sớm bị đánh bại, sẽ có một số lựa chọn mở ra cho các phần tử IS Đông Nam Á. Thứ nhất, chúng có thể tiếp tục sống chết với IS ở Iraq và Syria. Thứ hai, chúng có thể di chuyển đến các nơi khác như Yemen, Libya, Somalia, Nigeria, cũng như đến châu Á, bao gồm Pakistan, Afghanistan, và Philippines - trung tâm mới của IS. Thứ ba, những kẻ này cũng có thể trở về quê nhà.

Theo The Diplomat, khu vực Đông Nam Á đã và đang có nhiều kẻ trở về từ Syria và Iraq, một số do bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi có thể đến Syria, một số khác trở lại do chấn thương, hoặc thậm chí là một hành động chiến lược khi trở về để tiếp tục cuộc chiến ở quê hương mình. Do đó, những người trở về khu vực này cần phải được quản lý chặt chẽ.

Cho dù các nhà chức trách Đông Nam Á quyết định bắt giữ và xử lý hình sự đối với những người hồi hương hoặc cải tạo chúng, khu vực này vẫn cần phải chuẩn bị cho kịch bản “hậu IS”. Tình hình an ninh có thể tồi tệ hơn khi khu vực đang tràn ngập những kẻ theo IS có khả năng trong các hoạt động chiến đấu, chuyên nghiệp trong việc sử dụng vũ khí quân sự và chiến thuật tinh vi... Đây được coi là những thách thức nghiêm trọng mà Đông Nam Á chưa từng gặp phải trước đây.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ The Diplomat, Straitstimes & Breitbart)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

88% người tiêu dùng Đông Nam Á dựa vào AI để quyết định mua hàng

Trong sách trắng đầu tiên về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á, nền tảng thương mại điện tử Lazada cho biết, nghiên cứu mới của họ đã phát hiện ra phần lớn người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang sử dụng AI để đưa ra quyết định mua hàng.

88 người tiêu dùng Đông Nam Á dựa vào AI để quyết định mua hàng
Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản

Với lợi thế từ sự bùng nổ dân số và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản, với nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể giữa nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo ngành này cho biết tại Hội nghị Công nghệ châu Á được tổ chức tại Jakarta ngày 23/10.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV:
Nhiều kiến nghị của cử tri Thừa Thiên Huế được quan tâm giải quyết

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 21/10, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (báo cáo) gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho thấy, nhiều kiến nghị của cử tri được các Bộ, ban, ngành liên quan trả lời giải quyết; trong đó có nhiều kiến nghị, phản ánh của cử tri Thừa Thiên Huế.

Nhiều kiến nghị của cử tri Thừa Thiên Huế được quan tâm giải quyết
Return to top