Hiểm họa
Ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh: "Cảnh báo này thực sự khủng khiếp, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển của những siêu vi khuẩn nguy hiểm bởi sự thiếu hiểu biết và bất cẩn”.
Kháng sinh được thải trực tiếp ra môi trường kích thích sự xuất hiện ngày một nhiều của siêu vi khuẩn nguy hiểm. Ảnh: Reactgroup
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy mối liên quan giữa việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở người, nông nghiệp và hiện tượng kháng kháng sinh trong vài thập kỷ qua; tuy nhiên, vai trò của môi trường và ô nhiễm lại ít nhận được sự quan tâm.
Qua đó, báo cáo được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường LHQ lần thứ 3 diễn ra tại trụ sở của UNEP, thủ đô Nairobi (Kenya) từ ngày 4-6/12 xem xét khía cạnh môi trường của kháng thuốc kháng sinh đối với vật liệu nano; các khu bảo tồn biển; bão cát và bụi; các giải pháp năng lượng mặt trời ngoài lưới; và dịch chuyển môi trường, nhằm tìm ra vai trò của môi trường trong sự nổi lên và lan rộng của tình trạng kháng kháng sinh đặc biệt liên quan.
Ông Solheim khẳng định: "Cần có hành động ưu tiên ngay bây giờ; nếu không, thế giới phải đối mặt với những hậu quả tiềm ẩn đầy kinh hãi".
Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi một vi sinh vật tiến hóa để chống lại tác dụng của một chất kháng khuẩn. Trên toàn cầu, khoảng 700.000 người chết do nhiễm trùng kháng thuốc hàng năm, bởi các thuốc kháng sinh có sẵn trở nên kém hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt các mầm bệnh kháng thuốc.
Bằng chứng rõ ràng cho thấy, các hợp chất kháng sinh từ các hộ gia đình, bệnh viện, cơ sở dược phẩm và chất thải nông nghiệp được thải ra môi trường, cùng sự tiếp xúc trực tiếp giữa các cộng đồng vi khuẩn tự nhiên và các vi khuẩn kháng thuốc đang thúc đẩy quá trình tiến hóa của vi khuẩn và sự nổi lên của nhiều hơn các chủng kháng thuốc.
Cũng theo báo cáo trên, một khi được tiêu thụ, hầu hết các loại thuốc kháng sinh được bài tiết không chuyển hóa cùng với các vi khuẩn kháng thuốc. Đây là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong thế kỷ này, khi khối lượng kháng sinh sử dụng ở người tăng lên 36% và sử dụng kháng sinh ở gia súc được dự đoán sẽ tăng 67% đến năm 2030.
Các bằng chứng cho thấy, vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc xuất hiện phổ biến trong nước biển và các khu vực gần nơi có chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và đô thị.
Báo cáo lưu ý, giải quyết vấn đề này sẽ giúp giải quyết vấn đề sử dụng và xử lý dược phẩm kháng sinh, cũng như việc thải các loại thuốc kháng sinh, các chất gây ô nhiễm có liên quan và vi khuẩn kháng kháng sinh ra môi trường.
Những vấn đề khác
Ngoài ra, báo cáo của LHQ cũng xem xét những vấn đề khác đang nổi lên, chẳng hạn như vật liệu nano, loại vật liệu ít được quan tâm về tác động lâu dài của chúng. Theo UNEP, nghiên cứu về vật liệu nano là rất cần thiết.
Một lĩnh vực khác cũng được nêu bật là vấn đề bảo vệ Khu Bảo tồn biển, được xem là một lựa chọn tuyệt vời để duy trì hoặc phục hồi biển và hệ sinh thái ven biển, đồng thời cũng là động lực tiềm năng cho những lợi ích kinh tế phát sinh từ biển và hệ sinh thái ven biển.
Tiếp đó, báo cáo cũng ghi nhận, bão cát và bụi có thể gây thiệt hại về kinh tế, và cho rằng các chiến lược thúc đẩy đất đai bền vững và quản lý nước phải được kết hợp với các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh gần 1 tỷ người trên thế giới sống không có điện, bản báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách năng lượng, đóng vai trò như một chiếc chìa khóa để đạt được Chương trình nghị sự 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nhằm tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng với giá cả phải chăng và đáng tin cậy.
LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News, UN Environment &Shafaqna)