Kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức 6,6% trong năm 2019. Ảnh: Internet
Chững lại trong năm 2018
Theo FocusEconomics, kinh tế ASEAN tăng trưởng 4,7% trong quý III/2018, giảm 0,2 điểm phần trăm so với ước tính tăng trưởng 4,9% đưa ra hồi tháng 11/2018 và đánh dấu sự giảm tốc từ mức tăng trưởng trung bình 5,3% của nửa đầu năm 2018.
Qua quý IV/2018, dữ liệu PMI (bao gồm tất cả các nền kinh tế ASEAN, ngoại trừ Brunei, Campuchia và Lào) cho thấy lĩnh vực sản xuất của khu vực hầu như bị đình trệ trong tháng 10 và tháng 11, do ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại toàn cầu và sự tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình ở mỗi nước lại rất khác nhau. Trong khi Singapore và Malaysia chứng kiến sự tăng trưởng trong xuất khẩu, với thặng dư thương mại Malaysia đạt mức cao nhất trong nhiều năm thì Philippines phải đối mặt thâm hụt thương mại tăng cao do chủ trương đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ. Tăng trưởng xuất khẩu của Indonesia trong tình trạng “khập khiễng”, cán cân thương mại Thái Lan cũng xấu đi khi xuất khẩu chỉ tăng trưởng ít ỏi và ngành du lịch suy giảm đáng kể sau các tai nạn chìm thuyền gây chết người hồi tháng 7/2018 đè nặng lên hoạt động.
Năm 2018 cũng chứng kiến một sự kiện đáng chú ý khi trong Hội nghị cấp cao ASEAN giữa tháng 11 ở Singapore, các thành viên của khối đã ký thỏa thuận thương mại điện tử đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới và tạo ra một môi trường đáng tin cậy cho việc sử dụng thương mại điện tử. Khối cũng hướng đến việc hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm tất cả các thành viên ASEAN cộng với sáu nền kinh tế châu Á quan trọng khác, trong năm 2019. Theo các nhà phân tích, nếu được ký kết, RCEP sẽ giúp tăng cường thương mại khu vực.
Dự báo 2019 ở mức ổn định
Nhìn về phía trước, ASEAN dự báo sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ lành mạnh. Tiêu dùng tư nhân được thức đẩy nhờ lương tăng và thị trường lao động mạnh, bên cạnh sự mở rộng đáng kể trong đầu tư cố định, nhất là ở Philippines và Việt Nam (nhờ vào dòng vốn FDI và cải cách cơ cấu). Hơn nữa, nhu cầu toàn cầu đối với xuất khẩu của khu vực này vẫn duy trì ở mức cao, bất chấp sự điều tiết trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2019.
Với khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei Asia Review, sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung được xem là rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tăng trưởng của khu vực, khi nhiều nước ASEAN là những thị trường xuất khẩu chủ chốt. Ngoài ra, sự gia tăng tình trạng không chắc chắn về kinh tế, cùng với lãi suất cao hơn ở Mỹ, có thể gây thêm áp lực lên đồng tiền của các quốc gia có vị thế bên ngoài yếu hơn, như Indonesia, Myanmar và Philippines. Tăng trưởng GDP của khu vực dự kiến sẽ đạt 4,9% trong năm 2019, không thay đổi so với dự báo trước đó và 4,8% cho năm 2020.
Chỉ số GDP 2019 không thay đổi phản ánh dự báo ổn định cho các nền kinh tế trong khu vực, ngoại trừ Brunei, Malaysia và Myanmar khi các nước này có dự báo tăng trưởng năm 2019 sụt giảm so với tháng trước.
Điểm sáng Việt Nam
Theo FocusEconomics, các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc trong quý cuối cùng của năm 2018, mặc dù tăng trưởng GDP dự kiến sẽ giảm so quý III. Hoạt động sản xuất gần như vẫn ổn định, nổi bật là sự gia tăng trong sản xuất công nghiệp vào tháng 11 và chỉ số PMI sản xuất trong tháng này đạt mức cao nhất cùng kỳ trong 18 năm qua. Hơn nữa, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng nhanh trong tháng 11, trong khi doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tốt cho tiêu dùng tư nhân.
Hãng tư vấn Oxford Economics nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2019, mặc dù có chậm hơn một chút so với tốc độ mạnh mẽ của năm 2018. Đầu tư cố định mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng vững chắc, một phần nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và ngành du lịch ngày càng phát triển, sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó, hội nhập kinh tế lớn hơn trong ASEAN và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào hiệu lực sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI và mang đến nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ khi một môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức có thể làm giảm tăng trưởng, trong khi tình trạng thiếu lao động lành nghề và thiếu cơ sở hạ tầng có thể làm các công ty muốn chuyển đến Việt Nam e ngại. Mặc dù vậy, FocusEconomics vẫn duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 6,6% trong năm 2019, không thay đổi so với dự báo tháng 11/2018 và 6,3% cho năm 2020.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ Business Times, Nikkei Asia Review & FocusEconomics)