ClockChủ Nhật, 14/05/2017 12:05

Kinh tế châu Á nhiều thách thức nhưng đầy triển vọng

TTH - Theo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF mới được công bố hôm 9/5, trước các mối quan ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa bảo hộ và các xã hội đang già đi nhanh chóng, khu vực này vẫn phát triển mạnh mẽ, với triển vọng kinh tế trong năm nay sẽ tăng 0,2% so với năm ngoái, tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng toàn cầu.

Các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2017. Ảnh: IMG

Nhiều thách thức

Thực tế, các nền kinh tế châu Á hiện có nguy cơ đối mặt với các thách thức không nhỏ. Theo IMF, nếu các chương trình kích thích tài khóa của Mỹ dẫn đến áp lực lạm phát cao hơn kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có khả năng sẽ nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến để đối phó, khiến đồng USD mạnh hơn, “gánh nợ” của các nước đi vay ở châu Á theo đó cũng sẽ nặng nề hơn.

Các nền kinh tế châu Á cũng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ do mở cửa thương mại và hội nhập với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Một sự thay đổi hướng tới các chính sách hướng nội trên toàn thế giới có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của châu Á và giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Á. Hơn nữa, những căng thẳng địa chính trị trong khu vực cũng có thể làm suy yếu sự tăng trưởng trong thời gian ngắn.

Về mặt dài hạn, châu Á cần phải giải quyết 2 thách thức lớn: dân số già và tăng năng suất. Châu Á đang già đi nhanh chóng so với ở châu Âu và Hoa Kỳ. Khi dân số già đi, sẽ có ít công nhân hơn, và theo thời gian, lực lượng lao động sẽ thu hẹp lại, đồng thời có thể làm tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ và hưu trí.

Điều này gây áp lực lên ngân sách của chính phủ, và có thể dẫn tới tăng trưởng thấp hơn. IMF ước tính trong 3 thập kỷ tới, xu hướng nhân khẩu học có thể kéo tăng trưởng GDP trung bình ở các nền kinh tế châu Á tương đối già như Trung Quốc và Nhật Bản giảm từ 0,5%-1%.

Tăng trưởng năng suất chậm cũng là một mối lo ngại. Khu vực này không thể bắt kịp với mức năng suất cao của các nước về công nghệ. Giảm thương mại và FDI cũng có thể gây tổn thất cho các nền kinh tế châu Á trong việc truyền tải công nghệ và thúc đẩy cạnh tranh trong nước.

Triển vọng tăng trưởng lạc quan  

Tuy nhiên, bất chấp những mối lo ngại nói trên, các nền kinh tế châu Á vẫn được IMF đánh giá có nhiều triển vọng lạc quan, được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Theo dự báo của IMF ngày 9/5, các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cao hơn 0,2% so với năm 2016. Trong năm 2018, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ ở mức 5.4%, nhờ mức tăng trưởng ngày càng tăng ở một số nền kinh tế phát triển và mới nổi hỗ trợ cho triển vọng tích cực của châu Á.

Cụ thể, các chương trình kích thích tài chính lớn hơn dự kiến của Mỹ và sự tự tin của người tiêu dùng ở các nền kinh tế tiên tiến có thể sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng trưởng ở châu Á. Những cải cách, ví dụ như đầu tư công một cách hiệu quả vào cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN và Nam Á, có thể giúp kéo dài đà tăng trưởng tích cực.

Theo báo cáo triển vọng mới nhất của IMF, Nhật Bản sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 1,2% trong năm 2017, cao hơn 0,2% so với năm trước, với sự hỗ trợ từ việc mở rộng tài khóa và trì hoãn việc tăng thuế (từ 4/2017 - 10/2019). Singapore cũng có mức tăng 0,2% đạt tăng trưởng 2,2% trong năm nay, trong khi Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 0,3% lên 6,5% ở cùng thời kỳ.

Triển vọng cho các nền kinh tế châu Á khác cũng khá tích cực, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ - một động lực quan trọng cho tăng trưởng ở các nước này, theo nhận định của IMF.

Tóm lại, “cho tới nay, các dấu hiệu tăng trưởng ở khu vực châu Á thật đáng khích lệ”, ông Changyong Rhee - Giám đốc khu vực châu Á -Thái Bình Dương của IMF nhận định.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ IMF, Nikkei & NewsJS)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn TX. Hương Thủy đã thay đổi tư duy canh tác khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen; trong đó, mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ đã cho thấy hiệu quả khi giúp nông dân mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu

Không phải đối mặt với áp lực thiếu đơn hàng, nhiều DN xuất khẩu đang tăng tốc sản xuất tận dụng các cơ hội mới từ thị trường.

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu
Return to top