Nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng giá trị cao đang mở rộng trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, thực phẩm như chúng ta biết, không phải là không hề thay đổi trước những tiến bộ do công nghệ mang lại. Kỹ thuật mang tính khoa học của nhiều loại thực phẩm khác nhau mà chúng ta tiêu thụ đã và đang đưa con người đến những nỗ lực để tăng tính khả dụng, khả năng tiếp cận và chất lượng thực phẩm.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhu cầu thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á được ước tính sẽ tăng gần 40% đến năm 2050. Bên cạnh đó, một tầng lớp trung lưu đang mở rộng trong khu vực. 2 yếu tố này dự báo sẽ dẫn đến sự gia tăng cụ thể về nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng giá trị cao.
Thực phẩm dinh dưỡng giá trị cao là gì?
Thực phẩm dinh dưỡng giá trị cao là các sản phẩm thực phẩm cung cấp những lợi ích dinh dưỡng vượt ra ngoài lợi ích sức khỏe có được từ việc tiêu thụ thực phẩm thường xuyên. Chúng được tạo thành từ các sản phẩm “dinh dưỡng” (như thực phẩm bổ sung), “thực phẩm chức năng” (như các sản phẩm thực phẩm tăng cường năng lượng và quản lý cân nặng), và các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp “có giá trị cao” (như các sản phẩm thực phẩm được trồng hữu cơ và thương mại công bằng).
Do các mặt hàng thực phẩm này có giá bán đắt hơn so với các mặt hàng thực phẩm thông thường, chúng hấp dẫn chủ yếu ở các đô thị và hầu hết có sẵn trong khu vực thành thị, nơi mà hầu hết các quốc gia trong khu vực đang chứng kiến sự gia tăng đột biến về dân số. Đến năm 2050, tổng dân số của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến đạt trên 700 triệu người và tỷ lệ dân số đô thị trong khu vực được dự báo sẽ tăng lên khoảng 65% so với mức 48% hiện tại.
Theo một báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), sức hấp dẫn của các loại thực phẩm dinh dưỡng giá trị cao đối với dân cư đô thị chủ yếu là do 3 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất, khi dân số tăng lên, nhu cầu thực phẩm cũng tăng theo. Nhất là khi tầng lớp trung lưu phát triển, nhu cầu về thực phẩm an toàn hơn, những loại thực phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu sẽ bắt đầu chứng kiến sự gia tăng.
Thứ hai, chế độ ăn uống của người dân châu Á bắt đầu phát triển, với sự tiêu thụ ngày càng tăng đối với các loại thực phẩm đã qua chế biến là một yếu tố không thể thiếu, dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính. Để giải quyết điều này, nhiều đô thị hiện đang ưu tiên thực phẩm có chú ý đến sức khỏe.
Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen thực hiện năm 2015 cho thấy, 93% người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho những loại thực phẩm có các thuộc tính về sức khỏe. Cuối cùng, nhận thức ngày càng tăng về tính bền vững của thực phẩm thúc đẩy sự gia tăng của việc mua thực phẩm có tính trách nhiệm về mặt xã hội. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng trong khu vực đang bắt đầu mua các sản phẩm thương mại công bằng và các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc bền vững.
Tiến bộ khu vực
Mặc dù việc sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng giá trị cao trong khu vực vẫn còn khá non trẻ, điều đó không có nghĩa là Đông Nam Á không có tiềm năng phát triển. Trong khu vực, Thái Lan dẫn đầu về nông nghiệp hữu cơ, với các số liệu bán hàng của thực phẩm được trồng hữu cơ tăng 7% hàng năm trong giai đoạn 2010-2014.
Singapore cũng nhanh chóng trở thành một trung tâm của các loại thực phẩm chức năng, với việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Lâm sàng (CNRC) hồi năm 2014. Trung tâm này nhằm mục đích theo đuổi nghiên cứu trong việc tìm hiểu thực phẩm có thể được sử dụng để ngăn ngừa và quản lý bệnh mãn tính như thế nào...
Thị trường thực phẩm chức năng ngày càng mở rộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt giá trị 5 tỷ USD đến năm 2026, khơi dậy sự quan tâm của các start-up (nhà khởi nghiệp) muốn khai thác tiềm năng to lớn này.
Life3 Biotech, một start-up công nghệ thực phẩm có trụ sở tại Singapore có mục đích phát triển các loại thực phẩm chức năng, trong đó sử dụng những thành phần tự nhiên, dựa trên thực vật. Quốc đảo này cũng là quê hương của Alchemy Foodtech, nơi kết hợp công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học và công nghệ y tế để phát triển các loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa và quản lý bệnh tiểu đường.
Trong khi đó, ở Indonesia, những công ty như TaniHub, eFishery và Jala đều hướng tới việc phát triển các phương pháp bền vững trong việc tìm nguồn cung ứng và bán các sản phẩm thực phẩm hữu cơ.
Trên toàn cầu, có một sự thay đổi trong cách thức dân số đô thị tiêu thụ thực phẩm, cho dù các thực phẩm đó có nguồn gốc hữu cơ, hay biến đổi gen. Hiện nay, công nghệ thực phẩm đang nhanh chóng trở thành một trọng tâm chính, vì mọi người nói chung muốn có thêm kiến thức về những loại thực phẩm khác nhau mà họ tiêu thụ.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The ASEAN Post)