ClockThứ Ba, 30/05/2017 11:14

Quan hệ Việt - Mỹ: Chờ đợi phương thức hợp tác mới

Ba người tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ năm 2005 nay lại cùng ngồi trên chuyên cơ đến Mỹ với vị trí và vị thế mới. Đó là các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm và Dương Trung Quốc.

Báo Mỹ đăng bài về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcChuyên gia Mỹ: "Quan hệ Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục tiến triển mạnh mẽ"Đại sứ Phạm Quang Vinh: Lợi ích song trùng sẽ thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga và các cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Mỹ ra đón Thủ tướng và đoàn - Ảnh: LÊ KIÊN

Trên hành trình bay Hà Nội - Narita - New York đêm 28, ngày 29/5, ông Dương Trung Quốc đã dành riêng cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện.

* Là người từng có mặt trong chuyến thăm lịch sử năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Hoa Kỳ, lần này ông cũng tham gia trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông cảm nhận gì về quan hệ Việt - Mỹ sau 12 năm?

- Tôi nhớ 12 năm trước là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Việt Nam thống nhất đến Hoa Kỳ. Đó là một sự khởi đầu mới mẻ, đem đến những hi vọng cho mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia từng là thù địch. Từ đó đến nay, ai cũng thấy được sự thay đổi rất mạnh mẽ trong mối quan hệ này.

Rõ ràng là để vun đắp tính bền vững của quan hệ thì cả đôi bên phải vượt qua nhiều thử thách, trong đó có thử thách giữa bối cảnh chung của thế giới và thử thách riêng của mỗi quốc gia.

Tôi vẫn nghĩ rằng nền tảng của quan hệ tốt đẹp thì không gì hơn là cùng có lợi, phù hợp với lợi ích chung của thế giới và lợi ích của mỗi nước. Ví dụ, quan hệ Việt - Mỹ không thể nằm ngoài mối quan tâm về an ninh, về tương quan trong khu vực Đông Nam Á, với Biển Đông, với xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, hay là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc...

Chính vì vậy, cả Việt Nam và Mỹ đều phải chủ động để cân bằng, chia sẻ, đáp ứng những lợi ích của nhau.

* Rõ ràng để có được cuộc gặp 12 năm trước là rất khó khăn, sau một thời gian dài chiến tranh, cấm vận, thù địch, ngờ vực, rồi mới chìa tay ra cho nhau để có thể làm những người bạn, cho đến thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013, rồi Phòng bầu dục mở cửa đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, đó là những bước tiến dài trong hơn một thập kỷ...

- Như chúng ta vừa phân tích thì cách đây 12 năm, những di sản quá khứ để lại còn nặng nề và đôi bên phải tìm cách hóa giải. Thời điểm này, các mối quan hệ quốc tế rõ ràng là vẫn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nhưng đúng như bạn nói, Phòng bầu dục mở cửa để đón một Tổng bí thư Đảng Cộng sản bước vào, tiếp đón một cách trọng thị, điều này đã giải tỏa những hiềm khích, quan điểm nặng nề trong quá khứ để mở hướng tương lai.

Điều này cũng cho thấy rằng những lợi ích trong hiện tại, sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường tin cậy thì mới khởi tạo những hợp tác có chất lượng và vững bền được.

Hẳn bạn còn nhớ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Bill Clinton đến Hà Nội vào năm 2000, ông ấy cũng đã rất ngạc nhiên trước sự thân thiện và cởi mở của người dân Việt Nam, phu nhân và con gái tổng thống đã đội những chiếc nón lá Việt Nam rất đẹp.

Tôi tin rằng nếu Tổng thống Trump đến Việt Nam dự APEC vào tháng 11 này, ông cũng được đón chào như vậy.

* Ông kỳ vọng gì vào các cơ hội hợp tác từ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này?

- Tôi nghĩ rằng bên cạnh những chia sẻ về quan điểm chính trị, an ninh thì hợp tác thương mại là trọng tâm của chuyến đi này. Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, thế giới bình luận rất nhiều về quan điểm của ông đối với kinh tế, thương mại, trong số đó không ít những ý kiến lo ngại.

Tôi thì nghĩ rằng Việt Nam và Mỹ có những cơ hội hợp tác rất tốt từ chuyến đi lần này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thăm chính thức Hoa Kỳ, theo lời mời rất trân trọng của Tổng thống Donald Trump. Chi tiết này nói lên sự kỳ vọng và lòng tin của đôi bên dành cho nhau.

Việt Nam đã mua nhiều phi cơ của Mỹ, có nhu cầu lớn nhập khẩu công nghệ nguồn từ quốc gia công nghiệp số 1 thế giới, còn người Mỹ cũng thích ăn các món chế biến từ cá tra và cá ba sa của Việt Nam...

Điều quan trọng nhất là sáng tạo thêm những phương thức mới trong quan hệ để đôi bên cùng có lợi, trong một thế giới vẫn đang nhiều biến động. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với mỗi bên nhằm hiện thực hóa và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện đã được xác lập.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, ông Dương Trung Quốc khi ấy là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (đến nay ông đã trúng cử bốn khóa liên tục); ông Tô Lâm là cán bộ Tổng cục An ninh, bây giờ là thượng tướng, bộ trưởng Bộ Công an; và đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Trong ảnh là ông Dương Trung Quốc và bà Tôn Nữ Thị Ninh (lúc đó là phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) với ông Mac Shin (giữa, người Mỹ gốc Hoa, nay đã mất) trong chuyến thăm Mỹ năm 2005.

Mac Shin là quân nhân thuộc đơn vị tình báo chiến lược (OSS-Office Strategic Servics) của đại bản doanh quân đồng minh ở miền nam Trung Quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về chiến khu Việt Bắc để giúp đỡ Việt Minh chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Ảnh do ông Dương Trung Quốc cung cấp

Những cột mốc lịch sử quan hệ Việt - Mỹ

* 11 đến 12/7/1995: Hai bên tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ. Ngày 11/7, Tổng thống Bill Clinton công bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 12/7, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.

* 16 đến 19/11/2000: Ông Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975.

* 19 đến 25/6/2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ. Ông là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ kể từ sau chiến tranh.

* 17 đến 20/11/2006: Tổng thống George Bush thăm Việt Nam.

* 18 đến 23/6/2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ.

* 24 đến 26/7/2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.

* 2/10/2014: Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

* 6 đến 10/7/2015: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.

* 23 đến 25/5/2016: Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam. Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

* 29 đến 31/5/2017: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.

Theo Tuổi trẻ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Return to top