ClockThứ Bảy, 09/07/2016 09:00
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NATO 2016:

Thời điểm khẳng định sự đoàn kết của phương Tây

TTH - Ngày 8-9/7 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại thủ đô Warsaw, Ba Lan. Đây là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong lịch sử của liên minh quân sự này khi lần đầu tiên thu hút hơn 2.000 người từ cả quốc gia thành viên và phi thành viên NATO tham dự.

Hội nghị thượng đỉnh NATO 2016 được cho là một phép thử quan trọng đối với sự đoàn kết của các quốc gia thành viên. Ảnh: AFP

Những chủ đề chính

Hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw là cơ hội để các thành viên liên minh đưa ra những chiến lược quan trọng mới, nhằm đối phó với các thách thức và nguy cơ trong thế giới hiện đại, cũng như các vấn đề liên quan tới ngân sách quốc phòng, giúp NATO tái khẳng định vai trò toàn cầu và sự đoàn kết nội bộ của liên minh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: “NATO hiện đang cơ động hơn, mạnh mẽ hơn và sẵn sàng chiến đấu hơn, nhưng vẫn phải triển khai các bước cần thiết, nhất là tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự ở biên giới phía Đông”. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo sẽ triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan; đồng thời tăng cường hiện diện tại phía đông nam như bổ sung một lữ đoàn đa quốc gia tại Romania. Trong đó, ông Jens Stoltenberg nêu rõ, các quyết định được NATO đưa ra trong thời điểm hiện nay nhằm mục đích bảo vệ đồng minh và không hề mong muốn tạo thêm căng thẳng ở châu Âu. 

Ngoài ra, NATO cũng chủ trương thúc đẩy sự ổn định bên ngoài liên minh, như tăng cường sự hỗ trợ ở Ukraine, Gruzia, Moldova và giúp Iraq, Afghanistan chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Tiếp tục tiến trình hòa giải với Nga

Theo tuyên bố được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 4/7, NATO sẽ có cuộc đối thoại “thẳng thắn” với Nga ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Warsaw khép lại. Trong đó, cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO sẽ tập trung vào vấn đề “minh bạch và giảm nguy cơ”.

NATO sẽ tiếp tục hành động một cách “minh bạch, có trách nhiệm” và luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga, ông Jens Stoltenberg khẳng định và cho biết thêm: “Hội đồng Nga-NATO từng đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến hoạt động trao đổi thông tin nhằm giảm căng thẳng giữa các bên và tăng cường khả năng dự báo”.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin RIA Novosti của Nga nói rằng, Hội đồng Nga-NATO sẽ tiến hành thảo luận các biện pháp an toàn bay trên biển Baltic và ngăn ngừa khả năng xung đột ở vùng Baltic.

Tiếp đó, nguồn tin từ nhiều quan chức cấp cao khác của NATO cho hay, Moscow đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Ukraine và một loạt các vấn đề khác ở khu vực châu Âu. Bởi vậy, NATO sẽ thay đổi quan hệ với Moscow, chuyển từ chính sách dựa trên cơ sở “cố gắng không chọc giận Nga” sang chính sách kiềm chế ngăn chặn.

Thời điểm để phương Tây khẳng định sự đoàn kết

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay là một phép thử quan trọng đối với sự đoàn kết của các nước phương Tây, bởi liên minh quân sự này sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn và thậm chí mang tính chia rẽ.

Thêm vào đó, hội nghị năm nay được triệu tập giữa lúc xuất hiện nhiều bất ổn sau cuộc bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu của Anh (Brexit). Nếu Anh phải đối mặt với cuộc suy thoái hay sự sụt giảm mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia hậu Brexit, khả năng duy trì chi tiêu quốc phòng cho liên minh ở mức độ hiện nay có nguy cơ trở nên rất khó khăn.

Trong bối cảnh nhiều bất ổn về cả chính trị lẫn chiến lược, Hội nghị thượng đỉnh NATO 2016 chính là thời điểm quan trọng để các nước phương Tây thể hiện sức mạnh, sự đoàn kết và uy tín của mình.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ FT, Turkish Weekly & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản xem xét tăng chi tiêu quốc phòng lên 40.000 tỷ yên trong 5 năm tới

Hãng thông tấn Kyodo News hôm nay (25/9) dẫn lời các quan chức chính phủ cho biết Nhật Bản đang xem xét tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên hơn 40.000 tỷ yên (279 tỷ USD) trong 5 năm tới. Số tiền này cao hơn nhiều so với tổng số 27.470 tỷ yên được dành cho chi phí quốc phòng 5 năm giai đoạn 2018-2023 trong Chương trình phòng thủ trung hạn (MTDP) của Tokyo.

Nhật Bản xem xét tăng chi tiêu quốc phòng lên 40 000 tỷ yên trong 5 năm tới
Return to top