Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên là một trong những mối lo ngại lớn của ASEAN. Ảnh: Global
Nguy cơ xung đột quân sự
Trong những tuần gần đây, Mỹ và Triều Tiên liên tục gửi đi những thông điệp đe dọa nhằm vào nhau, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên, do mối lo ngại về việc Triều Tiên sắp đạt mục tiêu đặt lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13/8 cho rằng, "tình hình ở bán đảo Triều Tiên đã tiến sát đến khả năng xảy ra xung đột vũ lực. Nếu kịch bản này xảy ra và phát triển theo cách mà Mỹ đe dọa thì đây sẽ là thảm họa thực sự", với hậu quả có thể ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực chứ không chỉ riêng Mỹ, theo trích dẫn của Tass.
Tuy nhiên, ngày 14/8, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố hoãn kế hoạch tấn công đảo Guam (Mỹ) bằng tên lửa và "chờ xem thêm" các hành động của Mỹ trước khi có quyết định "quan trọng". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây cũng khẳng định, sẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hoà bình, đồng thời giới chức Mỹ cũng không đề cao việc can thiệp quân sự.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, đây chưa hẳn là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thực sự khi Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, trong khi Mỹ - Nhật vừa cùng nhau tập trận bắn đạn thật trên đảo Hokkaido.
Quan hệ ASEAN - Triều Tiên
Dù được coi là một quốc gia bị cô lập nhưng Triều Tiên có quan hệ ngoại giao với cả 10 thành viên của ASEAN. Bình Nhưỡng cũng thiết lập các Đại sứ quán ở 8 nước trong ASEAN, ngoại trừ Philippines và Brunei, The Diplomat cho biết. Các nhà ngoại giao Triều Tiên cũng duy trì sự hiện diện ở nước ngoài trong một số hoạt động cụ thể.
Có thể nói, quan hệ giữa ASEAN và Triều Tiên vừa thân mật vừa phức tạp. Indonesia là nước có mối quan hệ tương đối "ấm áp" với Triều Tiên từ những năm 1960. Với Singapore, Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng 3 vừa qua đưa ra một báo cáo cho thấy mối liên kết giữa một công ty của nước này với một công ty của Triều Tiên liên quan đến buôn bán vũ khí, buộc Singapore cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng cáo buộc nói trên. Bên cạnh đó, lượng hàng nhập khẩu cao từ Thái Lan và Philippines đưa cả 2 nước ASEAN này vào danh sách 5 nhà nhập khẩu hàng đầu của thị trường Triều Tiên, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Các số liệu thống kê thương mại nước ngoài của ASEAN cho thấy, tổng thương mại giữa ASEAN và Triều Tiên năm 2015 lên đến khoảng 184,6 triệu USD.
Vai trò trung gian hoà giải
Giữa tình hình hiện nay, Phó Giáo sư Lonny Carlile thuộc Chương trình Nghiên cứu châu Á của Đại học Hawaii, cho rằng ASEAN có thể giúp xoa dịu căng thẳng bằng cách đóng vai trò là người hỗ trợ đối thoại giữa Triều Tiên với Mỹ nói riêng và với cộng đồng quốc tế nói chung.
Theo ông, ASEAN đang có "vị thế tốt để trở thành người hoà giải" cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - cuộc họp an ninh khu vực hàng đầu của khối với sự tham dự của 27 quốc gia, trong đó có Triều Tiên bắt đầu từ năm 2000 - có thể chính là nền tảng để ASEAN làm được điều đó.
The Diplomat cũng cho rằng, trong bối cảnh ASEAN có một số lợi thế và vẫn duy trì mối quan hệ với Triều Tiên, đại diện cho một số khá ít các nước “bạn bè” mà Bình Nhưỡng giữ lại trong cộng đồng quốc tế, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc gây áp lực lên quốc gia này bằng cách hạn chế thương mại và dùng quan hệ ngoại giao để khiến Chủ tịch Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán.
Thực tế, phía Triều Tiên cũng từng “cầu cứu” đến ASEAN trong căng thẳng với Mỹ. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã gửi một bức thư đến Tổng thư ký ASEAN nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ các nước thành viên, qua đó ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân với Mỹ. “Tôi bày tỏ kỳ vọng rằng ASEAN, với thái độ coi trọng việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, sẽ đưa ra quan điểm về những cuộc tập trận Mỹ - Hàn ở các hội nghị của ASEAN một cách khách quan và chủ động, đồng thời sẽ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình và an toàn trên Bán đảo Triều Tiên”, Bộ trưởng Ri nhấn mạnh.
Năm nay, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Philippines đang gánh trọng trách lớn. Nắm rõ các nguyên tắc cơ bản của ASEAN về việc không can thiệp và ra quyết định thông qua sự đồng thuận, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho biết sẽ thảo luận với các đối tác trong khối để có những quyết định và chính sách phù hợp với tình hình hiện tại, trong đó có căng thẳng Mỹ- Triều Tiên.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ The Diplomat, Tass & AFP)