Thế giới

Các cường quốc tầm trung cần vun đắp mối quan hệ với ASEAN

ClockThứ Bảy, 19/09/2020 16:24
TTH - Theo nhận định của giới chuyên gia, tại nhiều sự kiện, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn kịp thời thể hiện sự thống nhất bằng cách đưa ra thông cáo chung đầy quyết đoán trước sức ép ngày càng gia tăng ở châu Á – Thái Bình Dương. Đây có thể được xem là sự trỗi dậy đáng ngạc nhiên và đầy khuyến khích về niềm tin vào tầm nhìn ASEAN vào thời điểm căng thẳng giữa các cường quốc lớn như Trung Quốc và Mỹ đe dọa chia rẽ khu vực.

Quan điểm rõ ràng và đoàn kết để trở nên mạnh mẽ

Có thể nói, sự ổn định và thịnh vượng của các nước ASEAN, cũng như năng lực chống lại sự xâu xé của các cường quốc trong khu vực thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn nhiều khi họ đoàn kết. Cũng chính vì lý do này, các cường quốc tầm trung ở châu Á – Thái Bình Dương lúc này cần phải tập trung nhiều hơn vào những nỗ lực phối hợp, hợp tác với ASEAN để duy trì động lực thống nhất đang hồi sinh này.

Trong vấn đề về tranh chấp Biển Đông, với việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt khiến các quốc gia ASEAN dễ tổn thương hơn. Tuy nhiên, khi 10 nước thuộc hiệp hội thể hiện sự thống nhất, sức ảnh hưởng của khối khu vực có thể đủ để tạo nên hàng rào bảo vệ và cân bằng sức ép từ các cường quốc lớn.

Không chỉ thể hiện quan điểm rõ ràng đối với tranh chấp trên Biển Đông, các nước ASEAN cũng đã và đang liên tục thể hiện sự quan tâm đối với nhiều vấn đề khác, trong đó bao gồm các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là mối quan tâm cao của khu vực đối với tình trạng căng thẳng gia tăng trong khu vực, cùng lúc nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải cũng như tự do hàng hải trên Biển Đông”. Những tuyên bố của ASEAN trong các hội nghị liên quan đều thể hiện quyết tâm cao để hoàn thành đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như thúc đẩy các bước tiếp theo hướng tới thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC).

ASEAN đã và đang trở thành một “phương tiện” mà qua đó, các quốc gia thành viên đã được hưởng lợi rất nhiều khi chứng kiến những thay đổi lớn và mức độ ổn định trong khu vực cũng gia tăng. Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN và các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước láng giềng như Trung Quốc và Ấn Độ cũng góp phần đáng kể vào mức độ tăng trưởng kinh tế vững chắc của khu vực.

“Nguyên tắc không can thiệp” của ASEAN đã cho phép các quốc gia thực hiện những chuyển đổi chính trị khó khăn, hay cải thiện vấn đề về nhân quyền mà không bị các quốc gia khác lên án. Đòi hỏi sự khéo léo trong ngoại giao, nguyên tắc này đảm bảo tránh tối đa nguy cơ xảy ra chia rẽ nội bộ không đáng có.

Nuôi dưỡng mối quan hệ để cùng nhau hưởng lợi ích

Trong một nhận định khác, tuy theo dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đưa ra trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Tăng trưởng châu Á (ADO) năm 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có thể sẽ phải chứng kiến con đường tăng trưởng khó khăn trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, với gần ¾ nền kinh tế khu vực đều sẽ giảm tăng trưởng. Tuy vậy, vị trí trung tâm của ASEAN vẫn đã và đang trở thành tiêu chuẩn được chấp nhận tại hầu hết các diễn đàn quan trọng trong khu vực. Để tiếp tục phát triển dựa trên đà của động lực thống nhất, đoàn kết này, các cường quốc tầm trung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng 10 nước thành viên ASEAN cần ghi nhớ, hợp tác để cùng nhau phồn vinh luôn tốt hơn chia rẽ. Đồng thời, tái khẳng định sự hiện diện của khối ASEAN là rất quan trọng đối với sự ổn định của toàn khu vực.

Vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài những thỏa thuận thương mại hiện có và cùng tham gia chung vào các diễn đàn khu vực, việc tăng cường kết nối với ASEAN, các cường quốc tầm trung nên suy xét nhiều hơn đến ý tưởng triển khai thường xuyên các hội nghị ASEAN+1. Điều này sẽ cho phép các quốc gia có nhiều cơ hội để thiết lập các chương trình nghị sự hướng đến giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến Đông Nam Á, đồng thời mang lại cho ASEAN sự tín nhiệm lớn trong cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nước thành viên.

Về phía các nước, những nỗ lực mới sẽ giúp hợp tác giữa các nước với ASEAN trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, nguồn nhân lực, hợp tác kinh doanh, chính phủ và văn hóa... đều có thể nở rộ nhờ vào các tương tác 1-1 được thực hiện thường xuyên. Và đối với ASEAN, đây sẽ là một cú hích kịp thời. Cụ thể, việc thiết lập các hội nghị ASEAN+1 thường xuyên với Australia và các nước láng giềng có quyền lực trung bình như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của một ASEAN thống nhất, cũng như tạo động lực thúc đẩy sự tín nhiệm của tổ chức.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Bangkok Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top