Thế giới

Các khu vực xung đột trên thế giới đã tăng 65% trong ba năm qua

ClockThứ Bảy, 23/11/2024 15:56
TTH.VN - Theo Chỉ số cường độ xung đột (CII) mới nhất, các cuộc chiến đã lan rộng và gia tăng, gây ra những tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực toàn cầu.

Xung đột gia tăng đẩy nhiều trẻ em trên thế giới phải sống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, báo cáo cho biết, các khu vực bị nhấn chìm trong xung đột trên toàn thế giới đã tăng 65% (tương đương gần gấp đôi diện tích của Ấn Độ) trong vòng ba năm qua.

Theo báo cáo của các nhà phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, Ukraine, Myanmar, Trung Đông và một “hành lang xung đột” quanh khu vực Sahel của châu Phi đã chứng kiến chiến tranh và bất ổn lan rộng và gia tăng kể từ năm 2021.

Xung đột trên toàn cầu đã lắng dịu trong đại dịch COVID-19, nhưng các chuyên gia cho biết, xu hướng bạo lực hiện đã gia tăng trở lại, và nhiều cuộc khủng hoảng kéo dài vẫn tiếp diễn không ngừng.

Ông Hugo Brennan - Giám đốc nghiên cứu tại Verisk Maplecroft, cho biết các cuộc xung đột gần đây đã có tác động sâu rộng đến doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực, với chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi xung đột Ukraine, gây nguy hại cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Đông và châu Phi, trong khi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi từ Yemen cũng làm ảnh hưởng hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ.

Theo báo cáo, tương đương 6,15 triệu km2 đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc nội chiến hoặc giao tranh giữa các quốc gia, nghĩa là 4,6% diện tích đất liền của thế giới hiện đang chịu tác động bởi xung đột. Tỷ lệ này tăng so với mức 2,8% của năm 2021, và số người thiệt mạng trong xung đột tăng 29%. Tổng cộng, 27 quốc gia, trong đó có Ecuador, Colombia, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về rủi ro trong xung đột kể từ CII năm 2021.

Báo cáo cũng xác định một “hành lang xung đột” bao trùm khu vực Sahel và Sừng châu Phi, từ Mali đến Somalia, nơi mà Verisk Maplecroft cho biết bạo lực đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua. Được biết, 86% Burkina Faso hiện đang vướng vào xung đột, trong khi Sudan và Ethiopia đã chứng kiến các đợt bùng phát bạo lực trên diện rộng.

Bà Angela Rosales, Tổng giám đốc điều hành của Làng trẻ em SOS Quốc tế - tổ chức chuyên giúp đỡ những trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình, tiết lộ rằng 470 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bao gồm cả ở Ukraine, Sudan, Gaza và Lebanon, với những tác động nghiêm trọng không chỉ dừng lại ở tử vong và thương tích.

“Trẻ em ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột có nguy cơ mất đi sự chăm sóc của gia đình nếu nhà cửa của chúng bị phá hủy, cha mẹ bị giết hoặc các em bị chia cắt khi chạy trốn khỏi bạo lực… Các em đặc biệt dễ bị bóc lột, nô lệ hóa, buôn bán và lạm dụng”, bà Rosales cảnh báo.

Giáo sư Clionadh Raleigh, Chủ tịch tổ chức giám sát các tác hại dân sự ACLED cho biết trong khi các cuộc xung đột mới đang nổi lên - với mức tăng 27% về các sự kiện bạo lực kể từ cuộc chiến Ukraine, thì các cuộc xung đột cũ cũng vẫn tiếp diễn.

“Có rất ít cuộc xung đột kết thúc hoặc trở nên ít căng thẳng hơn và có rất nhiều cuộc xung đột mới bùng phát”, bà lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng ở các quốc gia như Myanmar rất khó để đạt được một giải pháp hòa bình toàn diện.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Guardian)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top