Thế giới
Đông Nam Á:

“Cái nôi” của đổi mới sáng tạo công nghệ nông nghiệp do AI thúc đẩy

ClockThứ Sáu, 05/07/2024 18:31
TTH.VN - Nông nghiệp là trụ cột kinh tế của khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022, và gần 1/3 tổng số việc làm trong khu vực. Tầm quan trọng của lĩnh vực này đặc biệt quan trọng ở các quốc gia tập trung vào nông nghiệp như Myanmar và Campuchia, nơi nông nghiệp đóng góp hơn 20% GDP và khoảng 35% tổng số việc làm. Ở Lào, con số thậm chí còn rõ ràng hơn, với việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70% tổng số việc làm.

SoftBank sẽ triển khai các dịch vụ y tế dựa trên AI nhằm điều trị ung thưAI đóng vai trò lớn trong việc giải quyết các thách thức bền vững của châu Á

 Máy bay không người lái hỗ trợ giám sát cây trồng. Ảnh minh họa: mekongasean.vn

Vai trò quan trọng của nông nghiệp trong việc đảm bảo sự ổn định kinh tế của ASEAN gắn liền với vai trò trung tâm đối với an ninh lương thực của khu vực. Bên cạnh đó, việc dân số Đông Nam Á dự kiến sẽ có thêm hơn 780 triệu người vào năm 2050, các chuỗi cung ứng thực phẩm của khu vực sẽ chịu áp lực đáng kể, đặc biệt là khi tác động của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, vốn dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Theo một báo cáo nghiên cứu năm 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các thảm họa liên quan đến khí hậu đã gây thiệt hại lên tới 21 tỷ USD về sản lượng cây trồng và chăn nuôi trong giai đoạn 2008 - 2018 ở Đông Nam Á. Nhiệt độ gia tăng cũng đang ảnh hưởng đến năng suất, với sản lượng trong khu vực dành cho các loại cây trồng như gạo, lúa mì và các mặt hàng chủ lực khác dự kiến sẽ giảm từ 7 - 9% vào năm 2050.

Nếu không được giải quyết, tình trạng thiếu hụt an ninh lương thực có thể hạn chế tiềm năng kinh tế lâu dài của Đông Nam Á, nhưng các giải pháp mới đang xuất hiện để giải quyết những thách thức này.

Tác động mang tính chuyển đổi của AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây đã nổi lên như một công cụ mạnh mẽ có thể đóng góp tới 1 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế khu vực vào năm 2030, mặc dù công nghệ này vẫn còn non trẻ. Có khả năng xử lý nhanh chóng lượng lớn dữ liệu và đưa tự động hóa vào các quy trình hàng ngày, AI có thể đóng vai trò mang tính chuyển đổi trong nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp nhằm tăng cường khả năng phục hồi khí hậu và an ninh lương thực của khu vực.

Đã có nhiều minh chứng về cách AI đang được sử dụng để cách mạng hóa các khía cạnh khác nhau của ngành nông nghiệp, chẳng hạn như quản lý trồng trọt và chăn nuôi. Ví dụ, ở Indonesia, ứng dụng Dokter Tania được hỗ trợ bởi AI đã giúp nông dân xác định và quản lý bệnh cây trồng, đồng thời cung cấp hướng dẫn chuyên môn về canh tác cây trồng và sử dụng phân bón. Một ứng dụng AI tương tự cũng được phát triển ở Việt Nam để giúp nông dân sản xuất nhỏ tại địa phương xác định và xử lý vấn đề sâu bệnh tàn phá cây thanh long.

AI cũng đang thúc đẩy một cách hiệu quả và năng suất trong quản lý chăn nuôi thông qua những hiểu biết sâu sắc dựa trên dữ liệu. Có thể thấy, công ty khởi nghiệp Pitik của Indonesia, đơn vị đã sử dụng AI để đưa ra khuyến nghị cho các trang trại gà thịt nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, theo dõi sức khỏe vật nuôi và hợp lý hóa việc quản lý tổng thể trang trại.

Các khả năng tương tự cũng có thể được mở rộng để theo dõi cây trồng và dự báo dịch bệnh, cũng như sử dụng máy bay không người lái được AI hỗ trợ để tiến hành giám sát trên không. Những máy bay không người lái này không chỉ có thể xác định các khu vực bị nhiễm côn trùng, mà còn phun thuốc trừ sâu theo cách hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng và tiết kiệm 99% thuốc trừ sâu.

Ngoài ra, AI cũng đang được sử dụng trong các phần khác của chuỗi cung ứng thực phẩm, chẳng hạn như phân loại chất lượng và quản lý chất thải thực phẩm. Easyrice, một công ty khởi nghiệp công nghệ của Thái Lan, sử dụng một giải pháp dựa trên AI để kiểm tra chất lượng của 25 loại gạo khác nhau được trồng tại địa phương. Nhanh hơn gấp 10 lần so với các phương pháp truyền thống, công cụ này được cho là đã giúp cắt giảm 30% chi phí và thời gian dành cho việc kiểm tra gạo, và có tỷ lệ chính xác 95%.

Vẫn còn thách thức

Những tác động tích cực của AI đối với lĩnh vực nông nghiệp của ASEAN là rất đa dạng nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trình độ hiểu biết về kỹ thuật số thấp của nông dân, các trang trại nhỏ và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế gây ra những trở ngại đáng kể cho việc áp dụng.

Liên quan đến điều này, nhiều chính phủ ASEAN đã đưa ra các chiến lược quốc gia nhằm khuyến khích áp dụng AI trên các lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp. Ví dụ, kế hoạch Stratnas AI của Indonesia ưu tiên an ninh lương thực là lĩnh vực trọng tâm để phát triển công nghệ.

Những sáng kiến này chỉ là một số cách mà ASEAN đang khám phá tiềm năng của AI nhằm tăng cường an ninh lương thực địa phương, hướng đến hỗ trợ phát triển kinh tế trong tương lai, điều này thể hiện cam kết lâu dài của khu vực trong việc đưa những công nghệ tiên tiến vào các chính sách kinh tế.

Để khai thác toàn bộ tiềm năng của AI trong công nghệ nông nghiệp, cần phải đầu tư nhiều hơn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp đầy triển vọng, cũng như tài trợ để hỗ trợ cho việc áp dụng bởi các nông dân sản xuất nhỏ, thông qua trợ cấp hoặc những cơ chế tài chính đổi mới sáng tạo.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp là nền tảng mà trên đó những đổi mới sáng tạo mới sẽ xuất hiện, có thể đáp ứng trực tiếp nhu cầu đặc biệt của ngành nông nghiệp ASEAN. Năm 2022, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm nông nghiệp ở Đông Nam Á đã đạt 1,7 tỷ USD qua 192 giao dịch, một thành tựu đáng kể, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa để thúc đẩy các giải pháp mới cho lĩnh vực rộng lớn và phức tạp này.

Tầm quan trọng của AI trong công nghệ nông nghiệp sẽ ngày càng sâu sắc hơn khi cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp diễn, đó là lý do tại sao việc đưa ra các giải pháp mới có thể giúp cộng đồng thích ứng với các hình thái thời tiết thay đổi, duy trì mức năng suất cây trồng và tăng cường an ninh lương thực nói chung là rất quan trọng. Cung cấp nguồn tài trợ phù hợp sẽ là nền tảng cho mục tiêu này, nhưng việc nhận ra đầy đủ tiềm năng này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp để giải quyết vấn đề hiểu biết về kỹ thuật số, xây dựng các quan hệ đối tác và thiết lập các khung chính sách hỗ trợ. Với các khoản đầu tư chiến lược và các chính sách hỗ trợ của chính phủ, ASEAN có thể khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo công nghệ nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững cho khu vực trong những năm tới.

THANH NGÂN (Lược dịch từ Thailand Business News)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản

Với lợi thế từ sự bùng nổ dân số và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản, với nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể giữa nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo ngành này cho biết tại Hội nghị Công nghệ châu Á được tổ chức tại Jakarta ngày 23/10.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản
Đông Nam Á:
“Điểm nóng” về trung tâm dữ liệu toàn cầu

Tạp chí The Straits Times ngày 14/10 có bài viết cho hay, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang đổ xô đến khu vực Đông Nam Á để xây dựng các trung tâm dữ liệu, vào thời điểm mà nhu cầu về cơ sở hạ tầng và sức mạnh tính toán để hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng nhanh chóng.

“Điểm nóng” về trung tâm dữ liệu toàn cầu
Return to top