Thế giới

Châu Á có thể hưởng lợi khi tận dụng công nghệ vào giáo dục và đào tạo nghề

ClockThứ Bảy, 05/10/2019 10:04
TTH - Cuộc cách mạng công nghệ đã và đang mang lại những cơ hội to lớn, nhưng cũng kéo theo nhiều lo ngại ở các nước đang phát triển rằng, nó sẽ thay thế công việc của con người bằng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, cần có giải pháp để giáo dục và đào tạo nghề có thể giúp ngăn chặn điều này xảy ra.

Giải quyết bài toán giao thông và nhà ở để các thành phố châu Á ngày càng phát triểnLiên minh châu Âu thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với châu Á

 Một hệ thống giáo dục được ứng dụng công nghệ tốt, có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc dạy và học Ảnh minh hoạ: Dân Trí

Thực tế, hệ thống giáo dục ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt với ba thách thức chính liên quan đến nhau. Đầu tiên, mặc dù cải thiện sự tham gia của dân số trong độ tuổi đi học ở tất cả các cấp, nhưng việc học tập đã bị tụt hậu đáng kể. Nếu không nâng cao được kết quả đầu ra, lợi nhuận từ đầu tư giáo dục sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Thứ hai, các kỹ năng nền tảng không còn chỉ gói gọn trong việc đọc, viết và tính toán. Các kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng mềm hiện nay đã trở thành một phần quan trọng không kém để chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp. Thứ ba, ngay cả khi trình độ học vấn cao hơn gia tăng, các nhà tuyển dụng vẫn phải vật lộn để tìm kiếm các ứng viên có kỹ năng phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Tận dụng công nghệ vào giáo dục

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong thời đại 4.0, những thách thức kể trên có thể tạo cơ hội cho các quốc gia có khả năng khai thác thế mạnh từ công nghệ để đưa vào giáo dục và đào tạo nghề.

Trước tiên, sự tiến bộ trong phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các công ty chuyên khai thác dữ liệu từ các cổng việc làm chuyên nghiệp, từ cơ sở dữ liệu của các công ty và của chính quyền để xác định các kỹ năng cần thiết. Được trang bị thông tin này, cùng với những phân tích về xu hướng nghề nghiệp đang thịnh hành hoặc đã xuống dốc, các chính phủ có thể thiết lập hệ thống thông minh về thị trường lao động để cung cấp thông tin hữu ích trong thời gian thực cho người tìm việc. Theo đó, các quốc gia đang phát triển ở châu Á có thể hưởng lợi rất nhiều từ các hệ thống này, nhằm thông tin cho các tổ chức giáo dục và đào tạo để chuẩn bị cho người học.

Thứ hai, hệ thống quản lý học tập (LMS) có thể tích hợp tất cả các yếu tố chính của hệ thống giáo dục, bao gồm dữ liệu từ học sinh, giáo viên và phụ huynh, cũng như các tài liệu giảng dạy và học tập, đánh giá và hợp tác với nhà tuyển dụng... Loại ứng dụng dữ liệu lớn này, từ đó, có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, theo dõi hiệu suất học tập, đánh giá hiệu quả của các tài liệu học tập và thu thập phản hồi về các kỹ năng quan trọng nhất đối với các nhà tuyển dụng trong tương lai.

Hệ thống LMS cung cấp phản hồi liên tục cho sinh viên để đảm bảo rằng người học nắm vững các năng lực khác nhau, và một khi có tiến bộ, phụ huynh và các tổ chức giám sát sẽ được biết, trên cơ sở thời gian thực hệ thống đang hoạt động. Hiện có rất nhiều nền tảng học tập trực tuyến mà chính quyền hoặc người học có thể lựa chọn.

Một LMS tích hợp có thể đại diện cho “xương sống học tập” rất cần thiết cho một hệ thống giáo dục vững chắc. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là Công ty Extramarks của Ấn Độ, nơi đang mở rộng chất lượng học tập đến hơn 9.000 trường công và tư trong nước.

Ngoài ra, các nhà cung cấp giáo dục và đào tạo công và tư đang ngày càng có khả năng cung cấp các dịch vụ trên phạm vi rộng và có thể tùy chỉnh trong các lĩnh vực cụ thể, khi là một phần của LMS. Nếu LMS cốt lõi được thiết kế tốt, các nền tảng học tập khác có thể giao tiếp với nó. Ví dụ, ở Hàn Quốc, có một số nền tảng học tập chuyên biệt cung cấp các cơ hội học tập khác nhau, như: công nghệ máy bay không người lái, robot, âm nhạc...

Nhiều lợi ích cho việc dạy và học

Các chuyên gia của ADB đánh giá rằng, một hệ thống giáo dục được ứng dụng công nghệ tốt có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc dạy và học. Nó không chỉ giúp cá nhân hóa việc học, mà còn có thể tạo ra thị trường khả thi cho việc dạy và học một cách lành mạnh và minh bạch.

Cụ thể, đối với chính phủ, hệ thống này có thể giúp đẩy mạnh các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhất và thúc đẩy công bằng thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, phụ huynh sẽ có thể hiểu liệu con cái họ có học tốt hay không, và giáo viên có thể xác định những người học chậm để hỗ trợ họ hiệu quả hơn. Đối với sinh viên, họ sẽ có thể tuỳ chọn các khóa học và tổ chức việc học khách quan hơn, phù hợp với sở thích, khả năng, nguyện vọng và cơ hội việc làm.

Rõ ràng, có cơ sở để lạc quan về tiềm năng lớn trong việc tận dụng công nghệ vào chuyển đổi việc dạy và học, nhằm nâng cao kết quả đầu ra cho người học và cho thị trường lao động. Đối với các nước đang phát triển ở châu Á, sẽ cần rất nhiều ý chí chính trị và khả năng lãnh đạo hiệu quả để tạo bước nhảy vọt trong các chương trình chiến lược và đầu tư vào giáo dục, phát triển kỹ năng giữa các lĩnh vực truyền thống và hiện đại.

Thay vì lo lắng về hậu quả của AI và robot, trước tiên hãy tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả và sáng tạo hơn để chuẩn bị một thế hệ người học mới có thể thích nghi và quản lý các công nghệ mới, để từ đó đạt được những thành tựu tốt hơn trong giáo dục và thị trường lao động, các chuyên gia của ADB nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ ADB)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm
Return to top