Thế giới

Chính phủ Nhật Bản nâng dự báo tăng trưởng kinh tế

ClockThứ Năm, 21/12/2023 11:56
TTH.VN - Chính phủ Nhật Bản sáng nay (21/12) đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính hiện tại so với ước tính trước đó, do nhu cầu bên ngoài có thể sẽ bù đắp nhiều hơn cho mức tiêu dùng nội địa yếu kém, Văn phòng Nội các cho biết.

Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của Nhật Bản ước tính đạt 1,6% trong năm tài chính hiện tại. Ảnh: Reuters/Dangcongsan.vn

Trong báo cáo triển vọng kinh tế được công bố hai lần mỗi năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của Nhật Bản trong năm tài chính 2023-2024 (từ 1/4/2023 - 31/3/2024) ước tính là 1,6%, tăng từ mức 1,3% được đưa ra nửa năm trước, khi nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, nhờ sự phục hồi của du lịch nội địa và sản lượng ô tô.

Trước đó, sản lượng ô tô của Nhật đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 1,3% trong năm tài chính kế tiếp (bắt đầu từ tháng 4/2024), do đóng góp của nhu cầu bên ngoài suy yếu, trong khi tiêu dùng trong nước dự kiến sẽ phục hồi.

Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng kinh tế 1,3% cho năm tài chính 2024-2025 vẫn cao hơn một chút so với ước tính trước đó là 1,2%.

Một quan chức Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trong năm tài chính tiếp theo với sự hỗ trợ của kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập, dựa trên xu hướng tăng lương đang diễn ra.

Các dự báo của chính phủ lạc quan hơn một chút so với dự báo từ các nhà kinh tế khu vực tư nhân, những người kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tài chính hiện tại và 0,9% trong năm tiếp theo.

Các dự báo tăng trưởng cung cấp cơ sở cho việc đánh giá và xây dựng chính sách của chính phủ, ví dụ như ngân sách hàng năm cho năm tài chính sắp tới.

Giá tiêu dùng tổng thể được dự báo sẽ tăng 3% trong năm tài chính này, trong đó đã tính đến trợ cấp năng lượng – chính sách giúp lạm phát giảm 0,6 điểm phần trăm. Giới chức Nhật Bản cho rằng khả năng các công ty chuyển chi phí sang khách hàng ngày càng tăng, thúc đẩy xu hướng tăng giá hàng hoá.

Theo dự báo của chính phủ, lạm phát tổng thể sẽ ở mức 2,5% trong năm tài chính tiếp theo, do tác động của trợ cấp năng lượng giảm dần.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa được dự đoán sẽ tăng 5,5% trong năm tài chính này và 3,0% trong năm kế tiếp, đưa tổng GDP danh nghĩa lên mức kỷ lục 615.000 tỷ yên (4.290 tỷ USD) trong năm tài chính 2024.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục

Nhật Bản đã ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục 15,82 nghìn tỷ yen (tương đương 103 tỷ USD) trong nửa đầu năm tài chính 2024, được thúc đẩy bởi lợi nhuận gia tăng từ các khoản đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đồng yen yếu đi.

Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản
Return to top