Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may ở Hà Nội. Ảnh: Reuters
“Điểm sáng” ấn tượng trong con mắt giới đầu tư
Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế đánh giá, với số ca mắc Covid-19 tương đối nhỏ, ở mức 288 và không có ca tử vong, quốc gia Đông Nam Á này có lợi thế để khôi phục nền kinh tế sớm hơn các quốc gia khác.
Công ty phát triển liên doanh Kizuna – đơn vị xây dựng các nhà máy đang chuẩn bị đi vào hoạt động tại Việt Nam cho biết: “Nhờ phản ứng nhanh và thành công trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2, chúng tôi dự đoán đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch”. Kizuna hiện đang đẩy nhanh kế hoạch hoàn thiện một nhà máy rộng 100.000 m2 ở khu vực phía Nam Việt Nam để đáp ứng nhu cầu gia tăng sau đại dịch. “Nhà máy này sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động vào tháng 7”, công ty nêu rõ.
Các cố vấn hỗ trợ cho những công ty nước ngoài tái di dời chuỗi cung ứng cho rằng, thành công của Việt Nam trong ứng phó đại dịch đã giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
“Cảm nhận của tôi rút ra từ nhiều cuộc thảo luận cho thấy, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ nổi lên thành điểm sáng ấn tượng hơn cả trong con mắt của các nhà đầu tư”, ông Michael Sieburg – một đối tác của công ty tư vấn YCP Solidiance chuyên sâu về khu vực châu Á nói.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ sở sản xuất mới.
Xu hướng chuyển đổi đã sẵn sàng. Trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã để mắt đến Việt Nam, khi tìm cách khắc phục chi phí lao động gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại của Việt Nam, chẳng hạn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng khuyến khích cơ hội đầu tư.
Có lợi thế đáng kể về thương mại
Thành công của Việt Nam trong đẩy lùi đại dịch Covid-19 một phần là nhờ chương trình xét nghiệm nhắm mục tiêu và biện pháp kiểm dịch, cách ly hàng chục nghìn người.
Trong một bài viết đăng tải trên tờ The World ngày 7/5, tác giả Patrick Winn cho biết, có nhiều bài học được rút ra từ cuộc chiến Covid-19 tại Việt Nam, trong đó phải kể đến lợi ích của việc hành động nhanh chóng và quyết liệt.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng về kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và nhiều doanh nghiệp không dễ dàng khôi phục hoặc mở rộng một cách nhanh chóng.
“Do vẫn phải thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát nên mọi người gặp khó khăn trong việc đi lại, ký kết hợp đồng hoặc thăm cơ sở vật chất”, ông Samuel Pursch – chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho biết.
Theo khảo sát của chính phủ, 85,7% trong số 126.565 doanh nghiệp được thăm dò tại Việt Nam cho biết họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch, trong đó nghiêm trọng nhất là những người làm việc trong lĩnh vực hàng không, du lịch, thực phẩm và giáo dục.
Sau 5 năm tăng trưởng liên tiếp, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã giảm 15,5% trong 4 tháng đầu năm xuống còn 12,3 tỷ USD, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO). Tuy nhiên Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm ở mức trên 5% trong năm 2020 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu sắc.
Ông Fred Burke, một đối tác quản lý tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie nhận định, phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã giúp trấn an các doanh nghiệp trong nước và điều đó có thể khiến kinh tế phục hồi. “Việt Nam đã tạo ra lợi thế đáng kể về thương mại”, chuyên gia Fred Burke nói.
Ông cho biết thêm: “Thông thường khi đối mặt với một đại dịch như vậy, người nước ngoài sẽ quay trở về quê hương họ ở Bắc Mỹ, ở châu Âu, thậm chí Đông Bắc Á, nhưng với tỷ lệ tử vong do Covid-19 tương đối cao ở những khu vực này, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi ở đây”.
Theo VOV