Thế giới

'Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nâng tầm quan hệ Việt Nam-EU'

ClockChủ Nhật, 12/09/2021 08:04
Nhiều báo uy tín của Bỉ như Brussels Times, EU Today đã đăng tin, bài đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tạo động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bỉ, Việt Nam-EU.

Khai mạc Hội nghị các chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 5: Ba chia sẻ từ Việt NamXây dựng tương lai Việt Nam - EU

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ Ký các văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Bỉ và EU. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến công tác châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ từ ngày 8-9/9/2021 (giờ địa phương).

Nhiều báo uy tín của Bỉ như Brussels Times, EU Today với hàng chục triệu lượt truy cập mỗi tháng, đã đăng tin, bài đánh giá chuyến thăm tạo động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bỉ nói riêng, Việt Nam-EU nói chung phát triển lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Trong bài viết với tiêu đề “Quan hệ Việt Nam-EU lên tầm cao mới” đăng trên báo Brussels Times ngày 5/9, tác giả nhấn mạnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tới châu Âu kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội khóa XV tại Việt Nam.

Chuyến thăm góp phần khẳng định chủ trương, chính sách tiếp tục coi trọng và tăng cường quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và Bỉ của Ban lãnh đạo mới ở Việt Nam.

Nội dung bài báo điểm lại quá trình phát triển tích cực của quan hệ giữa EU với Việt Nam trong hơn 30 năm qua, trong đó các cơ quan lập pháp hai bên đóng vai trò quan trọng.

Từ một nước nhận viện trợ phát triển của EU, Việt Nam đã trở thành đối tác bình đẳng, hợp tác cùng có lợi với EU.

Việt Nam hiện là đối tác hàng đầu của EU tại khu vực Đông Nam Á, cầu nối giữa EU với các nước ASEAN và rộng hơn nữa, là hình mẫu tiêu biểu trong hợp tác giữa Liên minh này với các nước châu Á.

Trong quá trình phát triển đó, việc EU và Việt Nam ký kết Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA) là dấu mốc quan trọng.

Sau hơn một năm chính thức có hiệu lực và đi vào triển khai, Hiệp định EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều được nâng lên, hợp tác đầu tư song phương cũng được kỳ vọng sớm có bước phát triển mới.

Trong tổng thể quan hệ giữa EU với Việt Nam, Bỉ là một trong những thành viên duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Bỉ hiện đứng thứ 5 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của nước này.

Kể từ năm 2018, Bỉ cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây, hai nước đã bắt đầu khai thác tuyến đường sắt nối từ Yên Viên, Hà Nội đến thành phố Liège, mở ra một tuyến vận tải hàng hóa mới từ Việt Nam đến châu Âu, khắc phục khó khăn từ các tuyến vận tải biển quốc tế.

Cộng đồng người Việt tại Bỉ tuy số lượng không lớn song đã trở thành cầu nối vững chắc, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.

Báo EU Today ngày 6/9 đăng bài “Quan hệ EU-Việt Nam-Bỉ: Hướng đi mới sau đại dịch” đánh giá tích cực về triển vọng hợp tác giữa EU nói chung, Bỉ nói riêng với Việt Nam.

Tác giả bài viết nhận định sau một thập kỷ không ngừng nỗ lực, việc ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã mở ra một chương mới tươi sáng trong quan hệ hợp tác giữa EU, Bỉ với Việt Nam.

Các hiệp định này được kỳ vọng mang lại những cơ hội “vàng” để mỗi bên khai thác hiệu quả tiềm năng, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho việc tăng cường mối liên kết giữa các nền kinh tế Âu-Á.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển ấn tượng trong những năm qua. Trong giai đoạn 2000-2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì ở mức cao, trung bình đạt khoảng 6,4%/năm.

Năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế dương bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng đang là địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu.

Đến nay, 25 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2.214 dự án. Các nhà đầu tư châu Âu có mặt tại hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện năng, công nghiệp viễn thông…

Trong bối cảnh đó, việc EU sớm thông qua Hiệp định EVIPA sẽ mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung.

Bài viết trích đăng phát biểu của Thượng nghị sỹ Liên bang Bỉ Andries Gryffroy nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cơ hội để đặt nền móng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EU và Bỉ sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Bên cạnh đó là đánh giá của Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen, cho rằng việc đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, chế biến thực phẩm và đồ uống, dược phẩm và năng lượng tái tạo rất có triển vọng tại Việt Nam.

Ông Macr Stordiau, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư & Kỹ thuật Cảng quốc tế Bỉ (IPEI) cũng được dẫn lời khẳng định nhiều công ty của nước này, trong đó có IPEI mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, EU, Bỉ và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cơ chế COVAX, sáng kiến “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” hay chương trình “TEAM EUROPE” của EU nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Hai bên cũng có điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, du lịch, giáo dục, hậu cần, nông nghiệp và công nghệ cao.

EU có thể hợp tác, chuyển giao công nghệ với Việt Nam trong xử lý chất thải, tài nguyên nước, chống nhiễm mặn và nước biển dâng để cải thiện cuộc sống của người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng, như miền Trung Việt Nam hay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết thúc bài báo, tác giả đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ - chuyến thăm cấp cao thứ 20 của lãnh đạo Việt Nam đến Bỉ - mở ra giai đoạn mới trong quan hệ song phương./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công

Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau: 1. Xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam
Return to top